Thị xã Mường Lay được biết đến là trung tâm, cái nôi văn hóa của đồng bào Thái, ngành Thái trắng ở Tây Bắc với những di sản văn hóa được gìn giữ và lưu truyền từ bao đời nay.
Nằm ở phía Bắc tỉnh Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 100 km, trong quá trình phát triển, vùng đất này đã trải qua nhiều biến cố, đặc biệt là sau 2 trận lũ lịch sử năm 1990 và năm 1996. Từ năm 2004, người dân nơi đây phải di dời lên cao để nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện Sơn La. Đến năm 2011, khi thủy điện Sơn La dẫn dòng, đóng đập tích nước, Mường Lay trở thành một trong những thị xã đẹp nhất cả nước với những dãy phố tái định cư nhà sàn mái đá nằm san sát, soi bóng bên lòng hồ thủy điện, tạo nên vẻ đẹp riêng.
Mường Lay ngày nay được biết đến là thị xã nhỏ nhất trong cả nước với đơn vị hành chính gồm 2 phường (Na Lay, Sông Đà) và 1 xã (Lay Nưa), phần lớn là đồng bào dân tộc Thái, ngành Thái trắng sinh sống. Nơi đây có chứng tích Dinh thự Đèo Văn Long (vẫn nằm bên lòng hồ thủy điện), di tích Pú Vạp từ thời Pháp thuộc, là khu nghỉ dưỡng một thời của “Vua Thái” Đèo Văn Long. Sau tái định cư, đời sống của người dân từng bước ổn định. Đồng bào dân tộc Thái trắng vẫn lưu giữ, bảo tồn được nét đẹp trong văn hóa, tín ngưỡng với những lễ hội đặc trưng như: Kin Pang Then, nghệ thuật Xòe Thái cổ, Lễ hội đua thuyền đuôi én…
Một trong những di sản đặc biệt được người Thái trắng ở thị xã Mường Lay trao truyền đến nay là Lễ Kin Pang Then (thường diễn ra vào dịp đầu Xuân, sau Tết Nguyên đán; từ trước rằm tháng Giêng đến trước rằm tháng 3 hàng năm). Đây là dịp để người dân mang lễ tạ ơn Then. Kin Pang Then có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần, là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái trắng. Người làm Then thường ở trong gia đình có truyền thống biết hát then, đàn tính tẩu, hát xao xên theo hành trình lễ hát khấn cầu.
Ông Vàng Văn Thức (ở bản Na Nát, phường Na Lay) là một trong những người có công lớn trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa kết tinh trong những điệu Then cổ. Ông đã có hơn 30 năm thực hành, truyền dạy loại hình nghệ thuật hát Then của dân tộc Thái, được xem như người giữ gìn linh hồn dân tộc Thái ở Mường Lay. Năm 2015, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng.
Nghệ nhân Vàng Văn Thức cho biết, từ nhỏ, ông đã được nghe mẹ hát những làn điệu Then. Dù không hiểu nhưng ông cảm thấy hay và hứng thú. Lớn lên, được theo mẹ đi khắp nơi trong vùng để trình diễn hát Then, ông càng thêm hiểu và yêu hơn những làn điệu này. Được mẹ truyền dạy lại những điệu Then cổ cùng với nỗ lực cố gắng của bản thân, ông đã sử dụng thành thạo, linh hoạt các điệu Then để trình diễn trong những nghi lễ khác nhau như: giải hạn, mừng nhà mới, lễ cầu bình an...
Để những làn điệu Then cổ không bị mai một và mất đi, Nghệ nhân Vàng Văn Thức đã truyền dạy lại cho con cháu trong gia đình cũng như những người yêu thích Then ở khắp các vùng miền trong cả nước với mong muốn góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.
Ngoài ra, nơi đây còn có những điệu Xòe Thái cổ say đắm lòng người. Đây là loại hình múa truyền thống đặc sắc gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng. Múa xòe đã trở thành sợi dây kết nối cộng đồng, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc. Để bảo tồn, gìn giữ những điệu xòe Thái, thị xã Mường Lay đã thành lập các câu lạc bộ, đội văn nghệ tham gia tập luyện, trình diễn các điệu xòe, điệu múa truyền thống của dân tộc. Bà Lò Thị Lả, Phó Ban đại diện Hội Người cao tuổi thị xã Mường Lay cho biết, nói đến văn hóa đồng bào Thái trắng không thể thiếu điệu xòe và các điệu múa cổ truyền thống của dân tộc. Để bảo tồn những bản sắc văn hóa này, Hội Người cao tuổi thị xã đã sưu tầm từ những nghệ nhân, người già am hiểu về những điệu xòe, điệu múa để hướng dẫn, truyền dạy cho các thế hệ sau trong làng, bản. Hiện các chi hội ở Mường Lay đều có câu lạc bộ, đội văn nghệ thường xuyên tổ chức giao lưu giữa các thôn, bản nhằm học hỏi, bảo tồn và gìn giữ những làn ca, điệu múa truyền thống của dân tộc thu hút hàng trăm hội viên tham gia.
Thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thị xã Mường Lay gắn với phát triển kinh tế - xã hội, địa phương đã tích cực phục dựng, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Lễ hội đua thuyền đuôi én được khôi phục thành công năm 2015; từ đó đến nay đều được tổ chức thường niên vào ngày đầu tiên của năm mới (trừ năm 2022 do dịch COVID-19 nên không thể tổ chức). Đua thuyền đuôi én là một trong những lễ hội truyền thống của người Thái gắn với đặc trưng sông nước. Đồng thời, thị xã Mường Lay đã mở lớp dạy chữ Thái cho học sinh các trường Tiểu học, Trung học cơ sở và nhân dân trên địa bàn nhằm bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc; mở các lớp để nghệ nhân cao tuổi truyền dạy các làn ca, điệu múa cho thế hệ trẻ nhằm gìn giữ, phát huy những nét văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn.
Ông Quàng Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Mường Lay cho biết, những năm qua, ngành Văn hóa thị xã Mường Lay đã tích cực tham mưu cho UBND thị xã về bảo tồn, gìn giữ và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái ở Mường Lay như: điệu xòe Thái cổ, điệu múa cổ cũng như trang phục truyền thống của người dân tộc Thái. Chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn; hỗ trợ tạo điều kiện cho các câu lạc bộ, các nghệ nhân trao truyền, hướng dẫn thực hành di sản trong cộng đồng cho thế hệ kế cận.
Với vẻ đẹp sông nước được ví như “viên ngọc quý” trên đỉnh trời Tây Bắc cùng nền văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái trắng, thị xã Mường Lay vẫn đang kết hợp công tác bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa với việc phát triển du lịch. Trong đó, các tour du lịch ở Mường lay chủ yếu đưa khách tham quan lòng hồ thủy điện, các di tích lịch sử như: Dinh thự Đèo Văn Long, di tích Pú Vạp, hệ thống nhà sàn mái đá đặc trưng, đồng thời trải nghiệm du lịch cộng đồng, thưởng thức các điệu xòe, điệu múa cũng như ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vào phát triển du lịch không chỉ tăng nguồn thu nhập cho người dân mà còn tạo động lực để nhân dân chung tay góp phần gìn giữ, bảo tồn các di sản văn hóa của dân tộc.