Bảo tồn, phát huy giá trị di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột

Ngày 12/10, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo khoa học phát huy giá trị di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột (còn gọi là Nhà tù Buôn Ma Thuột).

Chú thích ảnh
Hình ảnh lính khố xanh, thực dân Pháp tra tấn tù nhân Nhà đày Buôn Ma Thuột. 

Nhà đày Buôn Ma Thuột do thực dân Pháp dựng lên từ năm 1930-1931 với tên gọi là Pê-ni-tô-xê đờ Buôn Mê Thuột, diện tích gần 2 ha, tại số 18 đường Tán Thuật, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.

Nhà đày được thiết kế theo hình chữ U, có 4 bức tường bao quanh, 4 vọng gác, 6 lao và xà lim, nhà kho, bếp ăn. Nhà đày được dựng theo kiểu khép kín, nơi núi rừng hoang vu, hiểm trở, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống xung quanh,...  để chế độ thực dân tiện theo dõi, giám sát, giam giữ, tra tấn, những chiến sỹ cách mạng, những đảng viên Cộng sản bị bắt và bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ.

Chú thích ảnh
Các chiến sỹ cộng sản bị giam giữ ở xà liêm trong nhà đày Buôn Ma Thuột. 

Điểm khác biệt giữa Nhà đày Buôn Ma Thuột và các nhà giam khác là thực dân Pháp đã bóc lột công sức của người tù để xây dựng nơi giam cầm chính họ. Ngoài bị giam giữ trong điều kiện khắc nghiệt, tra tấn dã man, người tù còn bị thực dân Pháp bắt phục dịch làm cầu đường, xây dựng cơ quan, doanh trại quân đội, làm khổ sai nhằm phục vụ mưu đồ khai thác tài nguyên, hòng biến Đắk Lắk thành hậu cứ quân sự ở Tây Nguyên, Nam Việt Nam và Đông Dương.

Tuy nhiên, những âm mưu và thủ đoạn tàn bạo của chính quyền thực dân không thể đè bẹp ý chí kiên cường, bất khuất của những chiến sỹ yêu nước. Tại Nhà đày Buôn Ma Thuột,  nhiều cuộc đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của thực dân Pháp, các lớp học chính trị, văn hóa thường xuyên được bí mật tổ chức trong lao tù  đã biến Nhà tù Buôn Ma Thuột thành trường học cao cấp về “Chủ nghĩa cộng sản”, nơi giác ngộ lý tưởng, ý chí đấu tranh cách mạng cho lớp trẻ khi bị bắt tù đày.

Trong số hơn 4.000 tù nhân bị giam giữ tại Nhà tù Buôn Ma Thuột nhiều chiến sỹ Cộng sản đã được rèn luyện, giáo dục trở thành những người lãnh đạo cốt cán của Đảng và Nhà nước sau này như các đồng chí: Võ Chí Công, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu…

Với những giá trị to lớn của di tích, ngày 10/7/1980, Nhà đày Buôn Ma Thuột được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Từ năm 2015 đến nay, di tích đã đó 47.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến thăm quan.

Chú thích ảnh
Nhà đày Buôn Ma Thuột có diện tích gần 2ha, tọa lạc tại Phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. 

Tại hội thảo, các đại biểu đã ôn lại giá trị lịch sử, văn hóa Nhà đày Buôn Ma Thuột, đóng góp nhiều ý kiến để bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Mai Hùng, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, tỉnh Đắk Lắk cần tập trung bảo tồn, tôn tạo di tích, nhưng phải giữ nguyên giá trị lịch sử, kiến trúc, cảnh quan, nhằm phát huy giá trị của di tích.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, hội thảo nhằm lắng nghe những ý kiến đóng góp của các lão thành cách mạng, các nhà nghiên cứu, nhân chứng lịch sử. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đắk Lắk chuẩn bị hồ sơ khoa học di tích, trình các cấp có thẩm quyền công nhận Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột là di tích quốc gia đặc biệt.

Đồng thời, tỉnh tập trung gìn giữ, tôn tạo để Nhà đày Buôn Ma Thuột trở thành điểm nhấn văn hóa, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, góp phần bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, phát triển du lịch địa phương.

Tin, ảnh: Phạm Cường (TTXVN)
Phạm nhân được sống cùng gia đình trong nhà tù Ấn Độ
Phạm nhân được sống cùng gia đình trong nhà tù Ấn Độ

Một nhà tù tại thành phố Indore (Ấn Độ) đang thí điểm hình thức điều hành các phòng giam riêng rẽ nơi phạm nhân có thể sống cùng gia đình hoặc thậm chí ra ngoài làm việc dưới sự giám sát chặt chẽ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN