Sức sống mới
"Đại ngàn Tây Nguyên - Tinh hoa hội tụ" là chủ đề Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I, năm 2023. Ngày hội thu hút sự tham gia của gần 600 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên 5 tỉnh Tây Nguyên gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông đã khẳng định sức sống mới, sự lan tỏa mãnh liệt của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong đời sống đương đại.
Ngày hội với nhiều hoạt động như trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống; trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của các tỉnh Tây Nguyên; Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc; Triển lãm "Đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng Tây Nguyên trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam"; tổ chức các hoạt động thể thao truyền thống như kéo co, đẩy gậy, bắn ná, leo cột mỡ và nhảy bao bố... Cùng với đó là giới thiệu tour, tuyến du lịch tham quan, nhằm quảng bá, giới thiệu về các hoạt động của Ngày hội và vẻ đẹp, tiềm năng vùng đất, con người Tây Nguyên.
Trước đó, Ngày hội Trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II, diễn ra tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) thu hút đồng bào các dân tộc đến từ 7 tỉnh,thành phố có nghi thức dựng cây nêu (Lai Châu, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Nam, Đắk Lắk và Đà Nẵng). Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cây nêu trong thời kỳ hội nhập và phát triển”, Ngày hội đã góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng 54 dân tộc; kế thừa và thực hành các loại hình văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch.
Những ngày đầu tháng 11/2023, Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người với chủ đề “Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người” lần đầu tiên diễn ra tại tỉnh Lai Châu với sự tham dự của đồng bào 14 dân tộc. Đặc biệt, trong khuôn khổ Ngày hội, tọa đàm đánh giá các sản phẩm du lịch Lai Châu với sự hiện diện của trên 100 doanh nghiệp lữ hành, du lịch trong và ngoài nước đã mang đến góc nhìn đa chiều, định hướng và thúc đẩy du lịch Lai Châu phát triển trong thời gian tới.
Theo bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thông qua việc định kỳ tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, Tây Nguyên; giao lưu văn hóa từng dân tộc như Ngày hội văn hóa dân tộc Hoa, Thái, Chăm, Khmer, Mông, Mường, Dao..; Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái.. đã góp phần tăng cường củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, địa phương trong cả nước; giữ gìn và phát huy bản sắc, giá trị di sản văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội...
Nhiều nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa cũng cho rằng, việc tổ chức những ngày hội văn hóa các dân tộc vừa bảo tồn, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, vừa góp phần phát triển du lịch, nâng cao đời sống cho người dân.
Đưa văn hóa thành sản phẩm du lịch
Nhiều địa phương đã đẩy mạnh bảo tồn di sản văn hóa địa phương gắn với phát triển du lịch, biến di sản văn hóa thành “sản phẩm” hàng hóa, khai thác phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Làng Lô Lô Chải, xã Lung Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là một điểm sáng của du lịch cộng đồng trên bản đồ du lịch Hà Giang, đem lại cuộc sống ấm no cho đồng bào dân tộc thiểu số dưới chân núi Rồng.
Anh Sình Dỉ Gai, Trưởng bản Lô Lô Chải cho biết, du khách đến Lô Lô Chải bên cạnh việc ngắm cảnh đẹp còn được khám phá ẩm thực, trải nghiệm sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật của đồng bào như trải nghiệm dệt vải, may trang phục, tham gia trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống như lễ cúng tổ tiên, múa trống, lễ cũng rừng... Bản du lịch cộng đồng người Dao ở bản Nậm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ) cũng là một điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều du khách.
Trên thực tế, nhiều địa phươngđã khai thác các giá trị văn hóa địa phương, tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn, như du lịch cộng đồng người Thái ở Bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) và Bản Áng (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La); du lịch cộng đồng người Hà Nhì ở xã Y Tí (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai); du lịch cộng đồng người Mường ở Bản Lác (xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình); du lịch cộng đồng người Mông ở bản Cát Cát (xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai)...
Việc xây dựng các điểm, tuyến du lịch có sự liên kết giữa địa phương, vùng xuất hiện ngày càng nhiều, trong đó phải kể đến tuyến du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”; “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên”; “Không gian cồng chiêng Tây Nguyên”; “Du lịch cội nguồn”, “Cội nguồn Tây Bắc”, “Sắc màu vùng cao”; “Du lịch vòng cung Tây Bắc”... gắn việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc thiểu số với phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân... Những mô hình này đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nước ta.
Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn chú trọng xây dựng, phát triển mô hình/hoạt động du lịch cộng đồng, thu hút du khách đến lưu trú vùng dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Bộ đã chủ động phối hợp, hướng dẫn các địa phương có vùng dân tộc thiểu số phát triển du lịch cộng đồng (homestay) gắn với xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai, Hòa Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, khu vực Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long…Bộ tham gia hỗ trợ về chuyên môn, tạo điều kiện về nhân lực để các dự án của nước ngoài triển khai hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Song Hà, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tài nguyên văn hóa và các di sản trở thành giá trị cốt lõi để phát triển du lịch đặc trưng của từng vùng, từng địa phương. Việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa góp phần làm gia tăng, làm giàu thêm nguồn tài nguyên du lịch, là nguồn lực để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thông qua hoạt động du lịch vừa có thể quảng bá văn hóa tộc người, văn hóa địa phương, vừa tạo sinh kế, tăng thêm thu nhập cho cộng đồng dân cư, phát triển kinh tế cho địa phương, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Song Hà lưu ý, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, giá trị của di sản thông qua các hoạt động phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, phải đặt lợi ích của di sản, văn hóa di sản, bảo vệ di sản trước lợi ích kinh tế. Phát triển kinh tế, phát triển du lịch thông qua di sản văn hóa nhưng không được quá tải so với sức chứa, làm tổn hại di sản, xung đột với văn hóa tinh thần của cộng đồng... Cùng với đó, các bên liên quan khai thác hiệu quả, có trọng tâm các nguồn lực di sản văn hóa để tạo sản phẩm du lịch, xây dựng điểm, tuyến du lịch mang đặc trưng, bản sắc của từng vùng, địa phương…, chú ý đến liên kết vùng, điểm đến, liên kết trong bảo tồn, phát huy giá trị ... để từ đó tạo ra hiệu quả kinh tế.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Song Hà nhấn mạnh: Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định 12 lĩnh vực trọng điểm trong đó có du lịch văn hóa. Phát triển công nghiệp văn hóa phải gắn liền với việc quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, gắn liền với phát triển du lịch. Phát triển công nghiệp văn hóa cũng có vai trò tích cực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong xã hội đương đại.