Từ tháng 11/2021 đến tháng 4/2022, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học - Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ triển khai công tác thăm dò, khai quật khảo cổ học di chỉ Vòng Thành Đá Trắng (ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc).
Cụ thể, các nhà khảo cổ đã đào 66 hố thăm dò và 13 hố khai quật, qua đó làm rõ đặc điểm cấu trúc địa tầng với trật tự diễn biến quá trình hình thành và phát triển của di chỉ này, xác định được đặc điểm cấu trúc quy mô của vòng tường thành xây bằng đá ong, đồng thời phát hiện nhiều loại hình di tích quan trọng như di chỉ cư trú, dấu tích các nền đất đắp, di chỉ hố bếp, di chỉ hố rác thải sinh hoạt, di chỉ hào bao quanh bên ngoài vòng tường đá ong...
Các kết quả điều tra, thăm dò và khai quật cũng giúp làm rõ quy mô của di chỉ Vòng Thành Đá Trắng, bao gồm trung tâm là vòng tường thành bằng đá ong có hình vuông với quy mô rộng 4,2 ha bên ngoài được bao bọc bằng một vòng hào hình chữ nhật có tổng diện tích lên đến hơn 10 ha.
Qua khai quật phát hiện nhiều loại hình di vật, gồm các loại vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động bằng sắt, đất nung cùng với số lượng lớn đồ gốm (bao gồm đồ sành, sứ) có nguồn gốc xuất xứ khá đa dạng, từ Champa (gốm Gò Sành), Trung Hoa, Bắc Việt Nam thời Lê sơ (gốm Chu Đậu), Sukhothai (gốm Sawankhalok - Thái Lan). Qua đó, Vòng Thành Đá Trắng được xác định là một di tích thành cổ có niên đại thế kỷ XV - XVI, mang đậm dấu ấn văn hóa Champa, có vị trí - vai trò rất quan trọng trong hệ thống thương mại biển ở Nam bộ và khu vực, là tư liệu quý góp phần phục dựng diện mạo lịch sử vùng đất Nam bộ trong giai đoạn thế kỷ XV – XVI, cũng như góp phần quan trọng trong lịch sử địa phương nói riêng và đối với tiến trình lịch sử vùng đất Nam bộ, Nam Trung bộ nói chung.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam ghi nhận, trong một thời gian ngắn, cuộc khai quật đã làm rõ bước đầu quy mô di chỉ Vòng Thành Đá Trắng. Vòng Thành Đá Trắng được xây bằng đá ong và vòng thành được xác định quy mô trên 4 ha, đồng thời các nhà khoa học đã xác định phía ngoài Vòng Thành Đá Trắng có một vòng hào (hào khô) bao quanh thành chính quy mô gần 10 ha. Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ học phát hiện nhiều dấu tích là đồ dùng, dụng cụ sinh hoạt đời thường của những cư dân sống (bếp, thức ăn) trong và ngoài thành, đặc biệt là đồ gốm. Bước đầu các nhà khoa học đã xác định nguồn gốc xuất xứ của gốm, gốm xuất xứ từ miền Bắc, miền Trung Việt Nam, gốm giao lưu văn hóa (gốm Trung Quốc, gốm Thái Lan). Căn cứ vào đó các nhà khoa học đã xác định được niên đại các loại đồ gốm có niên đại từ thế kỷ XV - XVII. Qua so sánh, nghiên cứu tổng hợp, qua chỉ dẫn về niên đại của đồ gốm, bước đầu đánh giá tòa thành này tồn tại từ cuối thế kỷ XV đến thế kỷ XVII. Qua những nghiên cứu bước đầu đối chiếu với các tư liệu lịch sử của Việt Nam, Trung Quốc để hiểu được vị trí, tầm quan trọng của tòa Thành này. Trước mắt chính quyền phải vào cuộc để bảo vệ khu di chỉ khảo cổ tránh bị xâm hại, bảo vệ di sản, tổ chức nghiên cứu bài bản lâu dài để hiểu được lịch sử, văn hóa của vùng đất này.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Chí Hoàng, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia nhận định, đến thời điểm này cả khu vực Nam Trung bộ và Đông Nam bộ chỉ còn duy nhất di chỉ Vòng Thành Đá Trắng còn tương đối nguyên vẹn được phát hiện. Để so sánh với các thành Chăm ở miền Trung, di chỉ Vòng Thành Đá Trắng có những nét tương đồng với thành Đồ Bàn của Bình Định, quy mô di chỉ Vòng Thành Đá Trắng nhỏ hơn tuy nhiên đến thời điểm này Thành vẫn còn nguyên vẹn trên vùng đất miền Đông Nam Bộ.
Để hiểu rõ hơn công năng của di chỉ Vòng Thành Đá Trắng, phải triển khai các cuộc khai quật với quy mô lớn hơn, rộng hơn để có được cái nhìn toàn diện hơn. Qua đó thu thập được nhiều tư liệu quý để trưng bày, giới thiệu cho các nhà khoa học, cộng đồng hiểu rõ hơn về giá trị của Vòng Thành Đá Trắng. Thông qua đó, khẳng định được giá trị, vai trò và tầm quan trọng của di chỉ Vòng Thành Đá Trắng trong lịch sử hình thành và phát triển của địa phương cũng như với tiến trình lịch sử vùng đất Nam bộ. Nguồn tư liệu khảo cổ học thu thập được tại di chỉ Vòng Thành Đá Trắng là cơ sở để xây dựng hồ sơ khoa học xếp hạng di tích Vòng Thành Đá Trắng, tạo điều kiện để bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong thời gian tới.
Ông Trần Anh Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Hội thảo khoa học đánh giá bước đầu công tác khai quật khảo cổ học di chỉ Vòng Thành Đá Trắng. Các nhà khoa học đã làm rõ diện mạo và vị trí quan trọng của di chỉ này không chỉ góp phần làm rõ lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất mà còn là di tích thành cổ có giá trị độc đáo, là điểm nhấn nổi bật trong tổng thể tiến trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn. Mặc dù vậy, việc bảo vệ di tích bằng các cơ sở pháp lý hiện nay chưa có, do di chỉ Vòng Thành Đá Trắng chưa được xếp hạng di tích nên chưa thể tiến hành bảo vệ bằng Luật Di sản. Đây chính là hạn chế lớn đối với công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị đối với di sản đặc biệt này. Thời gian tới, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhanh chóng hoàn thành công tác hiện trường và chỉnh lý hiện vật, xây dựng báo cáo khoa học, lập hồ sơ xếp hạng di tích, bảo vệ khẩn cấp và tiếp tục khai quật nghiên cứu toàn diện di chỉ Vòng Thành Đá Trắng.
Hội thảo “Báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò, khai quật di chỉ khảo cổ Vòng Thành Đá Trắng” là cơ hội để tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng các nhà khảo cổ công bố các kết quả nghiên cứu mới nhất. Với sự có mặt của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đầu ngành về Sử học, Khảo cổ học, các chuyên gia quản lý di sản văn hóa, các đơn vị thông tin truyền thông tham gia đóng góp ý kiến để đánh giá thêm về các đặc trưng, giá trị của di tích, thảo luận về các giải pháp cần thiết, phù hợp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích.