Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới và vị thế mới khi UNESCO đã vinh danh đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật đại diện của nhân loại, đờn ca tài tử tỉnh Cà Mau cần những nguồn lực mới nhằm giữ được cái chất, cái hồn của bộ môn nghệ thuật vừa dân gian vừa bác học này. Trên cơ sở đó, tỉnh Cà Mau đã ban hành Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2015 - 2020”.
Hiện nay, phong trào đờn ca tài tử phát triển rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh có hơn 6.000 người biết thực hành; trên 600 câu lạc bộ, đội, nhóm đờn ca tài tử. Sân chơi đờn ca tài tử hiện đang thu hút rất nhiều lứa tuổi tham gia; Bên cạnh đó, một dấu hiệu đáng mừng là lực lượng tham gia sinh hoạt đờn ca tài tử có xu hướng được trẻ hóa…
Tuy nhiên, các câu lạc bộ, đội, nhóm đờn ca tài tử hầu hết đều được tập hợp một cách tự phát do nhu cầu tự nguyện của từng thành viên nên nguồn lực tài chính để sinh hoạt hạn chế. Vì thế, việc tổ chức của các đơn vị này cũng chỉ dừng lại ở mức phong trào bởi sự liên kết lỏng lẻo, chưa có quy chế sinh hoạt cụ thể đi vào nề nếp. Bên cạnh đó, chất lượng của những buổi sinh hoạt chưa cao bởi hầu hết các bài bản, kỹ thuật trong buổi sinh hoạt chỉ dừng lại ở mức độ nhất định, dễ gây nhàm chán. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, hiện nay, các nghệ nhân đờn ca tài tử thường không ca hết câu trong một bài mà chỉ ca 1 hoặc 2 lớp, điều này đang làm cho tính chất “tài tử” dần mất đi. Ngoài ra, việc sinh hoạt đờn - ca ở hầu hết các câu lạc bộ hiện chủ yếu là dựa vào nền tảng là các trích đoạn cải lương hoặc một số bài bản nhỏ, bài vọng cổ…