Sách này do Lý Hy Chuẩn biên soạn, Yu Hwasu và Yi Eun Suk chú dịch và nhà văn Trần Thị Bích Phượng dịch ra tiếng Việt và cho ra mắt độc giả Việt Nam. Đây được xem là một trong ba tuyển tập về những điều mắt thấy tai nghe đồ sộ của Hàn Quốc, được biên soạn trong khoảng thời gian từ 1833 - 1842. Sách gồm 312 truyện ngắn, chia thành 6 quyển, viết theo thể loại dã đàm (việc ghi chép những điều mắt thấy tai nghe).
Nội dung tác phẩm này chủ yếu tập hợp những câu chuyện kỳ bí, những vụ án oan ly kỳ, những câu chuyện dân dã lưu truyền dân gian, nhằm phản chiếu phong tục và xã hội thời đại hậu kỳ Triều Tiên. Ngoài ra, nội dung sách còn đề cập đến việc phân tranh trong nội bộ tầng lớp thống trị, hành trạng của các danh sĩ thời đó.
Những câu chuyện này mang lại một diện mạo khác, thể hiện sự biến đổi của thế thái dân tình đương thời bấy giờ. Đặc biệt, còn có những câu chuyện kể về hình tượng người phụ nữ hoạt bát giỏi giang có xuất thân hèn kém... Không chỉ tập hợp các truyện kể dân gian mà còn có ghi chép cả một số truyện kể của giới quan lại trí thức như các truyện kể mang nội dung khoa cử, sinh hoạt trong quan trường, thăng quan giáng chức...
Tác phẩm văn học của Hàn Quốc được ra mắt độc giả Việt Nam thông qua Nhà xuất bản Văn hóa-Văn nghệ (ảnh chụp bìa sách) |
Đại diện Nhà xuất bản văn hóa – văn nghệ cho biết, khi đọc “Khê Tây dã đàm” độc giả dễ dàng nhận thấy tác phẩm không chỉ là tấm gương phản chiếu phong tục xã hội thời đại hậu kỳ Triều Tiên mà còn là thể loại văn học thú vị, đủ sức làm cảm động những tầng lớp độc giả thời hiện đại. Trong bộ sách này, nhiều bài học về thế thái nhân tình cùng những nét sinh hoạt của các tầng lớp dân cư được phản ánh khá chi tiết, giúp độc giả hiệu thêm về đất nước con người Hàn Quốc và giá trị của “văn học nhân dân” mà dã đàm mang lại.
Được biết, tác giả Lý Hy Chuẩn (1775 – 1842) là văn nhân ở hậu kỳ Triều Tiên, quê gốc Hàn Sơn (Hansan) tự là Bình Nhữ và Khê Tây vốn được người đời biết đến là hiệu của ông. Gia đình Khê Tây là tầng lớp quyền quý thuộc phái Lão Luận (Noron). Năm 1805 ông thi đỗ và lần lượt được bổ nhiệm các chức vụ như Giám ty kinh kỳ, Thượng thư bộ Hình, Thượng thư bộ Lễ. Năm 1840 được bổ nhiệm làm Đại tư hiến Ty hiến phủ./.