Bà Lê Thị Thu Hiền nêu rõ: Thời gian qua, có thể thấy di sản văn hóa đã khẳng định được là tài sản, đóng góp tích cực để trở thành tài nguyên vô tận trong phát triển kinh tế xã hội, du lịch theo hướng bền vững. Theo quan điểm phát triển của UNESCO năm 2015, di sản văn hóa của nước ta đã phát triển đúng hướng, vừa bảo tồn được các giá trị cha ông để lại, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Tổng Giám đốc UNESCO, Giám đốc Trung tâm di sản thế giới mong Việt Nam sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm với các mô hình điển hình trong quản lý bảo tồn di sản và phát triển kinh tế mà vẫn bảo vệ được môi trường...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn ủng hộ sự phát triển nhưng phải trên cơ sở bảo vệ theo nguyên tắc bảo tồn di sản và đảm bảo yếu tố gốc, cảnh quan môi trường sinh thái của di sản.
Đối với trường hợp của vịnh Hạ Long, bà Lê Thị Thu Hiền chia sẻ, tuy khu vực thực hiện dự án ở vùng đất đồi núi, đầm lầy, không có người dân, không có di sản, di tích, không có quy hoạch du lịch, cũng là khu vực cuối vịnh Bái Tử Long đổ ra biển nhưng việc triển khai vẫn phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Chúng ta cần bảo tồn các yếu tố gốc của di sản cũng như những giá trị tạo nên vẻ đẹp của di sản, dù phát triển thế nào cũng cần đảm bảo nguyên tắc đó, nhất là với di sản được UNESCO ghi danh. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có ý kiến bằng văn bản về việc thực hiện công trình gây ra ô nhiễm môi trường không chỉ là rác thải, chất thải, mà còn là môi trường sinh thái, động thực vật, hệ sinh thái của di sản vịnh Hạ Long. Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành ngăn chặn, xử lý, việc dừng dự án là hết sức kịp thời, đúng đắn, phù hợp với quy định của pháp luật.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã ký văn bản số 4773/BVHTTDL-DSVH đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo cơ quan liên quan phối hợp với chính quyền địa phương, chủ đầu tư, khẩn trương kiểm tra thực tế tại khu vực dự án, để đề xuất biện pháp xử lý, bảo vệ các giá trị di sản.
Theo Hồ sơ Thuyết minh lập báo cáo nghiên cứu khả thi, Dự án Khu đô thị 10B được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận chủ trương đầu tư (Quyết định số 3787/QĐ-UBND cấp lần đầu ngày 29/10/2021) với tổng diện tích 31,82 ha, có 12,19% diện tích nằm trong vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Hiện trạng khu vực thực hiện dự án bao gồm đất bằng ven núi, đất mặt nước, đất bờ đầm, bờ thửa, đất đồi núi, đất taluy, phần lớn là đất bãi triều ngập mặn, không có dân cư, không có công trình kiến trúc Quốc gia và di tích lịch sử, an ninh quốc phòng, không có đất dành cho du lịch. Khu vực đề xuất thực hiện Dự án nằm ở hạ lưu suối Lộ Phong, giáp ranh với thành phố Hạ Long, thường xuyên bị ứ đọng bùn đất khi mưa bão, gây mất mỹ quan khu vực giáp ranh vịnh Bái Tử Long và vịnh Hạ Long. Việc triển khai Dự án góp phần bảo đảm nhu cầu về nhà ở và sinh hoạt cho người dân trên địa bàn, tạo cảnh quan cây xanh cho môi trường đô thị, nhằm kéo giãn lượng khách du lịch hiện nay đang tập trung chủ yếu trong vùng lõi vịnh Hạ Long, các khu vực Tuần Châu, Bãi Cháy... UBND tỉnh Quảng Ninh chịu trách nhiệm về tính chính xác hợp pháp, hợp lệ của các thông tin, số liệu cung cấp tại Hồ sơ Dự án Khu đô thị 10B, phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh.
Để hạn chế tác động xấu ảnh hưởng tới di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo cơ quan liên quan hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện nghiêm các nội dung đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến tại Công văn số 507/BVHTTDL-KHTC, trong đó đặc biệt lưu ý quá trình nghiên cứu, triển khai cần thực hiện đánh giá tác động môi trường theo hướng dẫn của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN). Bộ cũng đề nghị tỉnh thông tin rộng rãi đến các cơ quan thông tin đại chúng về nội dung, quá trình triển khai, thực hiện dự án nói trên, làm rõ những mục tiêu đặt ra của dự án trong tổng thể định hướng phát triển của tỉnh thời gian tới...