Giới hội họa xem anh là họa sĩ tài danh của xứ Huế.
Bửu Chỉ - họa sĩ tài danh của xứ Huế. Ảnh: baothuathienhue.vn
|
Ở Huế, tên tuổi của Bửu Chỉ gắn với tranh vẽ về đề tài chiến tranh và hòa bình. Anh không chỉ vẽ tranh mà còn dấn thân quyết liệt cho phong trào phản chiến, yêu nước ở Huế và các đô thị khác ở miền Nam. Nhà báo Lê Văn Lân, nguyên Giám đốc Đài truyền thanh thành phố Huế bồi hồi nhớ lại, Bửu Chỉ thể hiện khí phách phong trào đấu tranh đô thị qua tranh. Tranh của anh là lời tố cáo đanh thép về tội ác của kẻ thù, là lời kêu gọi thống thiết thôi thúc tuổi trẻ dấn thân chống kẻ thù, xuất hiện sừng sững như một tượng đài của phong trào đô thị.
Trong phong trào đấu tranh ở đô thị Huế cũng như các thành thị miền Nam những năm 1970 - 1975 không ai là không biết Bửu Chỉ. Một họa sĩ với những bức tranh bút sắt, mực đen, nhưng tranh của anh có mặt hầu hết trên các ấn phẩm của phong trào đô thị trên cả nước, các tổ chức tiến bộ thời ấy, từ trang bìa đến phụ bản.
Cùng hoạt động trong phong trào sinh viên đô thị Huế với họa sĩ Bửu Chỉ, nhà thơ Võ Quê cảm nhận, ngọn bút sắt của anh ngời ánh lửa xuống đường và cả trong ngục tù khắc nghiệt. Sự trung thực, dũng cảm, tình yêu nước nồng nàn của anh; đôi bàn tay tài hoa của anh đã từng làm cho kẻ thù khiếp sợ: "Tranh anh đỏ máu đêm tù/ Sợ tranh anh chúng trả thù tay anh/ Dù cho điện, nước cực hình/ Quên đau anh vẫn vẽ tranh chống thù".
Hoạ sĩ Bửu Chỉ sinh ngày 8/10/1948, trên mảnh đất Huế thân yêu. Anh đã có một quá khứ hào hùng trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập thống nhất đất nước. Từng là Tổng Thư ký của Hội sinh viên Sáng tác Huế, anh đã bị chế độ cũ bắt đến 3 lần và lần cuối cùng đã bị giam 2 năm ở khám Chí Hòa cho đến tận ngày 30/4/1975 mới được giải thoát. Trong nhà tù anh đã bị cảnh sát chế độ cũ đánh đập tàn nhẫn, đặc biệt vì tức giận họ đã đánh vào hai bàn tay của họa sĩ vì hai bàn tay này đã dám vẽ những bức tranh tố cáo chiến tranh phi nghĩa mà chế độ cũ hiếu chiến miền Nam không muốn nhìn thấy.
Không chịu khuất phục, trong chốn lao tù, tranh của anh vẫn được vẽ, trong khoảng thời gian đó, thường được các báo chí nước ngoài in và gây một dư luận rộng rãi, được các phong trào phản chiến thế giới ở Mỹ, Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc, châu Âu nhiều khi lấy làm biểu trưng. Đặc biệt là các phong trào sinh viên yêu hòa bình của thế giới.
Chiến tranh đã qua lâu, nhưng với nhà báo Lê Văn Lân, cảm xúc như vẫn còn nguyên vẹn: Có lẽ trong các cuộc xuống đường ở Huế những năm 1970 - 1972, cuộc xuống đường thầm lặng tháng 8/1971 là một cuộc biểu tình xúc động và gây nhiều ấn tượng nhất. Trong cương vị Tổng thư ký Hội sinh viên sáng tác Huế, anh không những tích cực tham gia cuộc biểu tình, mà còn phóng tác nhiều bức tranh như vụ thảm sát Mỹ Lai đưa vào cuộc diễu hành. Sau này, bức tranh được treo một thời gian dài ở Tổng hội Sinh viên Huế. Tiếc là, chiến dịch "Bình minh" địch chiếm Tổng hội, bức tranh bị phá hủy và họa sĩ cũng bị địch bắt giam, tù đày cùng với các anh Lê Văn Thuyên, Nguyễn Hoàng Thọ, Nguyễn Duy Hiền, Trần Đình Sơn Cước.
Từ ngày đất nước thống nhất, là người của phong trào, anh đã sống và hòa nhập vào mạch sống chung của dân tộc. Lần lượt anh đã tham gia đảm nhận các vai trò lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế, rồi Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên, Hội Mỹ thuật Việt Nam... Anh đã được Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng Huy chương Vì Sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam do sự nỗ lực sáng tạo nghệ thuật của anh trước và sau năm 1975.
Một tác phẩm của họa sĩ Bửu Chỉ. Ảnh: baothuathienhue.vn
|
Sung sức trong lao động mỹ thuật, tư duy về không gian, thời gian, về thân phận con người trầm luân, khổ đau, hạnh phúc… trong những năm 80, 90 anh đã vẽ rất nhiều tranh sơn dầu với bút pháp lạ, thể hiện sự tìm tòi cái mới trong hình thức để chuyển tải tinh tế nội dung giàu tính nhân văn trong từng tác phẩm. Dòng tranh bút sắt của anh cũng được tiếp tục thể hiện những nội dung sâu sắc về cái thiện, cái ác cũng như mạnh mẽ lên án mọi sự giả hình trong xã hội mà tiêu biểu là chùm tranh "Cáo" của anh với dòng chú thích: "Bọn cáo có một thứ đạo đức riêng. Lấy sự lưu manh làm thái độ sống. Sự quỷ quyệt làm thái độ ứng xử với đời. Sự đa nghi và gian ác làm lợi khí tự vệ. Và chúng đùa giỡn với lẽ sống chết của mọi người trên hai tay..." (theo nhà thơ Võ Quê).
Tranh của anh đã được nhiều nhà sưu tập tranh trong và ngoài nước tìm mua. Anh đã thực hiện nhiều cuộc triển lãm thành công như: Triển lãm tại Liên Xô (cũ), năm 1986; Triển lãm tranh bao bố cùng họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận tại Huế, năm 1987; triển lãm cá nhân tại Paris - Pháp, năm 1988; triển lãm chung với họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận tại Huế, năm 1989; triển lãm cá nhân tại Hồng Kông, năm 1994; được mời tham gia cuộc triển lãm "Quyền Hy Vọng" (The right to hope) của Liên Hiệp Quốc với họa sĩ thuộc 47 quốc gia trên thế giới, năm 1995; triển lãm chung với họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận tại Galerie Vĩnh Lợi - Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1997; triển lãm chung với họa sĩ Đinh Cường và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Galerie Tự Do - Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2000; triển lãm chung với họa sĩ Đinh Cường nhân kỷ niệm 100 ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ trần, năm 2001; tháng 7/2001, Triển lãm chung với họa sĩ Đinh Cường tại Galerie Tự Do - Thành phố Hồ Chí Minh. Đây được xem như là cuộc triển lãm cuối cùng của người họa sĩ tài hoa Bửu Chỉ.
Về sau, dù anh đã mất nhưng tranh Bửu Chỉ cũng xuất hiện chung trong các cuộc triển lãm của bạn bè đồng nghiệp. Cố nhà thơ Thái Ngọc San, nguời bạn nghệ sĩ tâm đắc của Bửu Chỉ đã rất đúng khi khẳng định về Bửu Chỉ: "Khi chiến tranh đã đi qua, đất nước đã hòa bình, Bửu Chỉ lại bùng nổ những mối ám ảnh khác, nhất là những năm về sau này. Bây giờ là những mối ám ảnh triền miên về không gian, thời gian, về sự sống và cái chết, về hạnh phúc và nỗi khổ đau của con người, của nhân loại trên trái đất...".
Đặc biệt, các hình tượng của anh thường độc đáo, khác lạ nên rất gây ấn tượng... Bên cạnh, cách phối các màu nóng tương phản tạo ra một vẻ đẹp rực rỡ. Một mình người chạy băng trên bề mặt của địa cầu, tay níu lấy chiếc đồng hồ thời gian với một sợi dây mong manh, đó là tên bức tranh "Níu kéo thời gian". Một con ngựa đá hiền lành, ngây ngô thân hình nứt rạn vì thời gian lại trổ ra những chùm hoa ngũ sắc rực rỡ. Con ngựa đá như mơ màng trước nhật nguyệt được biểu tượng hóa bằng hai vòng tròn nhỏ và vàng, đó là bức tranh "Ngựa đá và hoa".
Một con chim bồ câu trắng muốt hiền hòa đậu trên một chiếc bình cổ với những hoa văn rất đẹp như hình núm vú của "mẹ hiền cuộc đời" được phối cảnh bên cạnh hai chiếc bình khác, mà chiếc ở giữa đã vỡ... Như cuộc đời có lúc toàn vẹn, có lúc trắc trở, như đời người có khi mơ ước rồi đổ vỡ, nhưng rồi lại mơ ước tiếp. Bởi vì con người trong thực chất tận cùng của nó là luôn mơ ước cho cái đẹp, cái thiện, lòng trắc ẩn. Và nhờ sự mơ ước đó mà nó tồn tại được. Đó là một trong những bức tranh tĩnh vật của anh. Một con bồ câu khác đậu trên một lưng ghế dưới đó là bốn ngọn đèn dầu, bóng đèn đã sạm khói, ánh lửa hiu hắt, nhưng vẫn ngóng tới một vầng mặt trời đỏ nhỏ nhoi để cảm thấy "mong manh và bình yên", tên của một bức tranh khác của anh.
Trong bộ sưu tập tác phẩm của họa sĩ tài danh Bửu Chỉ để lại, không chỉ có "Tiếng thét từ lòng đất" và "Khát vọng hòa bình", anh còn có không ít tranh có hình chiếc đồng hồ, vật thể gần gũi với con người gợi nhắc đến thời gian. Nhiều tác phẩm khác, tuy không có hình chiếc đồng hồ nhưng ta lại thấy mặt trời, mặt trăng, khi gần khi xa, lúc đỏ rực như quả cầu lửa, lúc mảnh mai và dịu êm như một vành mi, một… múi cam giữa vũ trụ mông lung. Có thể hiểu các biểu tượng thời gian "thường trực" trong tranh Bửu Chỉ từ rất nhiều góc cạnh. Đó là "cuộc truy hoan sắc màu với vô thường" như Phó giáo sư. Tiến sĩ Bửu Nam đã từng khẳng định (Tạp chí Sông Hương, số đặc biệt, tháng 12/2012); đó cũng là lời nhắc nhủ về sự hữu hạn, mong manh và cô đơn của đời người giữa vũ trụ bao la.