Hàng chục thanh niên Maasai đã tham giao vào giải “Maasai Olympic” lần thứ 5. Sự kiện thể thao này được coi là hoạt động thay thế cho việc săn sư tử - nghi thức thông qua cho các chiến binh trẻ Maasai. “Maasai Olympic” bao gồm các môn như ném lao, nhảy cao… đã tổ chức ngày 10/12 tại khu bảo tồn Kimana dưới chân núi Kilimanjaro.
Cuộc thi thu hút 160 thí sinh, trong đó có 40 cô gái. “Maasai Olympic” được tổ chức lần đầu vào năm 2012. Những người đứng đầu bộ tộc Maasai đã phối hợp cuàng Quỹ Big Life để tổ chức “Maasai Olympic” thay cho nghi thức truyền thống “Olamayio”. Với “Olamayio”, thanh niên sẽ phải giết một con sư tử để chứng minh sự dũng cảm và trưởng thành.
Trong khi đó, số sư tử tại Kenya đang giảm mạnh. Cuối thập niên 70 của thế kỷ trước có gần 30.000 con sư tử tại Kenya nhưng nay chỉ còn gần 2.000 con. Cơ quan quản lý thiên nhiên hoang dã Kenya cho biết mối đe dọa hàng đầu đối với sư tử và các con thú săn mồi khác là xung đột với con người.
Lãnh đạo bộ tộc Maasai - Matasia Nerangas chia sẻ: “Ngày nay chúng tôi cùng chung sống với động vật hoang dã. Chúng tôi chia sẻ cánh đồng cỏ và hố nước cùng với động vật hoang dã, chúng tôi thậm chí được nhiều lợi ích hơn trước đây”.
Ông Craig Millar tại Quỹ Big Life cho biết “Maasai Olympic” giúp giảm thiểu rủi ro cho số sư tử sống trong khu vực. Ông Craig Millar nhận định nơi đây đã trở thành một trong số ít những khu vực ở châu Phi, nằm ngoài khu bảo tồn, với số lượng sư tử ổn định và tiếp tục tăng trưởng.
Người chiến thắng trong các môn thi đấu sẽ được nhận huy chương và tiền thưởng. Joseph Lekatoo, người giành chiến thắng môn ném lao nói: “Bây giờ tôi săn huy chương và không còn săn sư tử nữa”.
Ngay cả các bậc cao niên người Maasai cũng khen ngợi giải đấu. Ông Lenkai ole Ngola (66 tuổi) bộc bạch với hãng thông tấn AFP (Pháp): “Khi còn trẻ tôi đã giết hai con sư tử. Nhưng ngày nay, việc bảo vệ sư tử là quan trọng bởi số lượng chúng ngày càng giảm”. Ông Lenkai ole Ngola cho biết việc bảo vệ sư tử còn tạo thêm việc làm cho giới trẻ, bắt nguồn từ dịch vụ du lịch.