Bả trạo là hoạt cảnh múa hát thể hiện sinh hoạt, lao động của ngư dân như chèo thuyền, kéo lưới hoặc đặc tả cảnh đưa linh, rước hồn "Đức Ông". Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Tuy nhiên, việc bảo lưu, gìn giữ, giúp loại hình nghệ thuật này thoát khỏi nguy cơ mai một đang gặp rất nhiều rất khó khăn.
Chèo bả trạo của cư dân Phổ Thạnh từ lâu đã nức tiếng trong và ngoài tỉnh đến mức khi nhắc đến thôi, người dân đã nói ngay rằng: “Sắc bùa, múa lân, bóng chuyền, bóng đá…chẳng sánh qua chèo bả trạo”. Môn nghệ thuật này tưởng chừng như dễ nhưng thật ra rất khó. Người gắn bó với nó đòi hỏi phải có cơ duyên. 10 người theo học thì chỉ có 1 - 2 người bám trụ.
“Hừng hừng tản sáng chèo ra/ Hòn Hè nằm đó kìa là luộc lưng/ Hòn Xây nằm đó có chừng/ Chèo ra tưng bừng mới khỏi đầu trâu”. Cụ Nguyễn Thuận (71 tuổi), một trong những thế hệ đầu tiên sáng lập ra chèo bả trạo ở vùng biển Phổ Thạnh ngâm vang đoạn trường thuật giữa con sóng ào ạt dạt vào bờ. Đến nay, cụ đã có thâm niên 51 năm gắn bó với nghề. Cụ cho biết, người hát phải có chất giọng ấm, vang, phải biết luyến láy và có nhịp điệu.
Rồi cụ kể, đội hát bả trạo có 15 người. Trong đó, ngoài 3 ông Cái (Tổng Mũi, Tổng thương, Tổng lái) là 12 con trạo. Cái hát thì con trạo đệm theo sao cho lời hòa hợp với động tác múa. Dụng cụ chính trong khi hát chèo bả trạo là sông lăng (hai thanh gỗ tròn nhỏ) và mái dầm (chèo).
Gần cuối cuộc đời, tài sản quý giá nhất mà cụ Thuận để lại cho nghề, cho địa phương là khoảng 10 bài bả trạo lớn nhỏ do chính ông sáng tác. Gần nhà cụ Thuận là nhà cụ Huỳnh Mạnh, cũng được coi như một cây đại thụ sáng giá, là “linh hồn” cho bả trạo bay xa. Bà con ngư dân khi nhắc về hai bậc cao niên này đều tỏ lòng thành kính và tự hào khoe rằng nếu không có hai người ấy thì bả trạo chẳng có gì hay. Họ thay người ngư dân gửi gắm cầu mong đến “mẹ biển” để vụ mới cá, tôm đầy ắp khoang thuyền, no đủ, bội thu.
Nhưng khi hai cụ đã bước sang cái tuổi xế chiều, những ngày lưu diễn chỉ còn đếm từng buổi. Việc không tìm được lớp trẻ kế cận càng khiến cho những người “sống chết” với nghề thêm đau đáu. “Chúng tôi đã ngược xuôi biết bao bận, gõ cửa biết bao nhà để tìm truyền nhân. Thế nhưng mọi hi vọng chẳng được đền đáp. Tụi trẻ bây giờ không được như chúng tôi hồi trước, không máu lửa, tâm huyết. Chỉ vì mắc cỡ mà tập vài buổi đã bỏ dở”, cụ Thuận bộc bạch.
Sợ cái nghề cao quý bị mai một, cụ Thuận, cụ Mạnh đã nhờ đến cán bộ Văn hóa - Xã hội xã Phổ Thạnh trợ giúp. Ngày qua ngày, những khổ giấy A4 dày thêm những câu chèo bả trạo được thảo lại từ giọng hát của hai vị. Lôi hũ sâm trong góc tủ ra, cụ Thuận uống một ngụm nhỏ rồi tâm sự: “Già rồi, sức khỏe yếu, giọng hát khàn hơn nên tôi phải dùng đến nó để giữ giọng. Hi vọng, sẽ có người bén duyên với chèo bả trạo, thay tôi làm chủ lễ để một ngày rời cõi tạm, đoàn tụ với ông bà tôi cũng không còn gì phải nuối tiếc”.
Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh Giả Tấn Tàu cho biết: “Chèo bả trạo là một di sản phi vật thể quý giá, có vai trò, vị trí rất đỗi quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh của cư dân miền biền. Địa phương rất quan tâm, tìm mọi cách để gìn giữ, phát huy nhưng công tác ấy gặp không ít khó khăn vì đội ngũ kế thừa thiếu trầm trọng. Mong sở, ngành chức năng sớm vào cuộc giúp xã về phương diện này”.
“Xã cũng đã động viên, khích lệ tinh thần cụ Thuận, cụ Mạnh để hai cụ tiếp tục bám nghề, đem lời ca tiếng hát của mình phục vụ cộng đồng, làng xóm”, ông Giả Tấn Tàu nói.