Cái tên Phạm Công Thắng có lẽ không còn xa lạ đối với những người theo dõi và đam mê nhiếp ảnh, bởi ông vốn là một nghệ sỹ có nhiều tác phẩm ảnh đạt giải thưởng cả trong và ngoài nước. Năm 2021, từ tâm huyết ấp ủ nhiều năm liền về một không gian riêng để những người đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh, những người làm báo ảnh giao lưu, gặp gỡ, nhà nhiếp ảnh, nhà văn, nhà báo Phạm Công Thắng xây dựng bảo tàng “Ký ức nhiếp ảnh”. Để rồi, chính chủ nhân của bảo tàng đã đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi vô số những kỷ vật liên tiếp được những nhiếp ảnh gia từ nhiều miền đất nước trao tặng.
Một trong những kỷ vật đầu tiên đem theo cả những tình cảm của chủ nhân gửi gắm vào bảo tàng “Ký ức nhiếp ảnh” là bộ máy Pentax đen trắng của nghệ sỹ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng sử dụng để chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Khi được hỏi về lý do dành tặng bảo tàng “Ký ức nhiếp ảnh” bộ máy ảnh đã đồng hành cùng mình trong suốt chặng đường sự nghiệp, NSNA Hoàng Kim Đáng tâm sự: "Bộ máy ảnh Pentax đã được tôi sử dụng từ năm 1972 ở chiến trường cho đến tận những năm 2000. Chiếc máy ảnh đã giúp tôi thu trọn nhiều khoảnh khắc đáng giá, từ khoảnh khắc trong chiến tranh khói lửa, đến khi hoà bình lập lại, cũng là chiếc máy tôi sử dụng để chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở chiến trường, và sau này - năm 1980 là chụp tại nhà riêng của Đại tướng.
Chiếc máy ảnh với tôi là một phần của những kỷ niệm vô giá. Bởi thế, tôi muốn trao tặng lại cho bảo tàng “Ký ức nhiếp ảnh” - nơi mà với cách lưu giữ bài bản của một người uy tín trong nghề, tôi tin sẽ là một địa chỉ giúp ghi lịch sử, viết tiếp lịch sử, và gìn giữ linh hồn nhiếp ảnh Việt Nam sống mãi".
Cùng niềm tin với các đồng nghiệp, cuối năm 2021, nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Lam cũng mang chiếc máy ảnh D200 đến tặng bảo tàng “Ký ức nhiếp ảnh”. Chiếc máy gắn liền với tác phẩm nổi tiếng "Mặt trời trong Lăng sáng tỏa" từng được Tập đoàn Tân Tạo mua với giá 1 triệu đô la. Toàn bộ số tiền này được tặng cho Quỹ bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang, góp phần hỗ trợ thực hiện hơn 500 ca phẫu thuật trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh.
Hay phải kể đến chiếc máy chiếu phim dương bản Profector Standard, lưu hành từ những năm 1940 do Nguyên phó vụ trưởng Văn phòng chính phủ Nguyễn Ngọc Bình trao tặng cho bảo tàng. Chiếc máy là kỷ vật được một giáo sư người Đức kỷ niệm cụ thân sinh của bác Nguyễn Ngọc Bình. Kể từ đó, chiếc máy vẫn luôn được gia đình gìn giữ, trân trọng như một sợi dây kết nối thế hệ thiêng liêng.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Lam tâm sự: "Tôi rất ngưỡng mộ lý tưởng và việc làm của anh Phạm Công Thắng. Bởi xây dựng được một Bảo tàng lưu giữ Ký ức nhiếp ảnh là một việc rất cực, rất mệt, và khi đã làm thì phải làm đến nơi, đến chốn. Nhưng bằng tất cả nhiệt huyết của mình, thì anh Phạm Công Thắng đã thành công".
Clip không gian lưu giữ 'Ký ức nhiếp ảnh' có một không hai giữa lòng Hà Nội:
Cứ thế, bảo tàng “Ký ức nhiếp ảnh” đầy lên những bộ máy, có bộ tuổi đời ngót nghét cả trăm năm, gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp của nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh nổi tiếng.
Người nghệ sỹ dành cả tầng 2 của ngôi nhà cho không gian của nhiếp ảnh. Bảo tàng “Ký ức nhiếp ảnh” được xếp đặt trong một không gian nhỏ nhắn, ấm cúng nhưng là cả sự đầu tư cẩn thận về tiền bạc, công sức, sắp đặt chỉn chu cho từng hiện vật.
Mỗi kỷ vật lại gắn với một câu chuyện riêng - là chuyện nghề, chuyện đời và cả dấu ấn của các giai đoạn lịch sử, dấu ấn thời đại hào hùng đã đi qua của dân tộc. Vì thế, bên cạnh mỗi hiện vật, người nghệ sỹ nhiếp ảnh lại kỳ công viết lời, chú thích tỉ mỉ từng dòng máy một, ghi rõ đời máy, chủ nhân là ai để khách tham quan có thể hiểu rõ. Những ghi chép ấy như là cách thể hiện sự trân quý của nhiếp ảnh gia kỳ cựu với từng hiện vật.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Phạm Công Thắng cho biết, mỗi hiện vật đều là những kỷ vật được chủ nhân trân trọng nên sau khi thực hiện công tác vệ sinh, từng chiếc đặt trang trọng lên tủ, kệ trong tình trạng bảo quản nguyên dạng. Ngoài việc lau dọn hàng ngày, định kỳ bảo tàng tiến hành làm vệ sinh, hút ẩm…
“Nhiếp ảnh Việt Nam đã trải qua hành trình rất dài và gian truân, có chiếc máy ảnh đã góp phần lưu giữ lại những khoảnh khắc đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Và bằng tất cả sự trân trọng, tình yêu với lịch sử nhiếp ảnh của dân tộc, tôi đã nghĩ tại sao bản thân lại chưa mở một không gian nhỏ để lưu giữ lại những hiện vật là những chiếc máy ảnh cũ mà mọi người vẫn còn để thất lạc đâu đó. Và đó chính là lý do KUNA ra đời”. - nhiếp ảnh gia Phạm Công Thắng kể về lý do quyết định mở phòng lưu niệm “Ký ức nhiếp ảnh” có cái tên viết tắt KUNA nghe kêu như tên một người bạn.
“Thời gian đầu, thông qua mạng xã hội, tôi có chia sẻ về việc mình sẽ mở một không gian nhỏ để lưu trữ lại ký ức nhiếp ảnh, cũng chỉ mục đích là thông báo đến bạn bè, anh em đồng nghiệp.” - phóng viên ảnh, nhà nhiếp ảnh kỳ cựu kể. “Thật bất ngờ, phòng lưu niệm lại nhận được sự ủng hộ của mọi người lớn như vậy. Có cả những người không quen biết, ở rất xa xôi vẫn liên hệ với tôi để tặng lại những kỷ vật ngành ảnh mà với họ rất quý giá, là những ký ức không bao giờ quên."
Trong không gian khiêm tốn nhưng ấm cúng, chứa đựng cả tâm tình của những người nghệ sỹ nhiếp ảnh, chủ nhân của Bảo tàng chia sẻ: Do hạn chế về không gian và vẫn còn đang trong quá trình chỉnh trang, tu sửa nên vẫn còn một số hiện vật chưa được trưng bày hết.
Nhà sử học Dương Trung Quốc khi đến tham quan Bảo tàng thì phân tích: “Điều quan trọng khi đến với Bảo tàng là chúng ta cảm nhận được cái hồn, cái cốt, và tiêu chí mà nghệ sỹ nhiếp ảnh Công Thắng xây dựng, như vậy là đã xem như một thành công lớn”.
Trong tương lai, nhà nhiếp ảnh Phạm Công Thắng cũng hy vọng có thể mở rộng thêm quy mô của Bảo tàng “Ký ức nhiếp ảnh” như ngoài tầng 2 hiện tại thì sẽ cải tạo thêm cả tầng 1 của căn nhà để tăng không gian lưu trữ; hay mở thêm không gian cà phê “Ký ức nhiếp ảnh” tại tầng 3 để mọi người sau khi tham quan bảo tàng lại có thể cùng nhau tâm sự, trò chuyện, chia sẻ về những tâm huyết với sự nghiệp nhiếp ảnh nước nhà.
Đến nay, sau gần 1 năm bảo tàng nhỏ được thành lập, mỗi ngày vẫn tiếp tục có rất nhiều kỷ vật ngành ảnh quý giá được mọi người gửi về từ cả trong và ngoài nước. Không gian lưu niệm nhỏ vẫn mang trong đó rất nhiều câu chuyện lớn, như một minh chứng sống động cho nền nhiếp ảnh Việt Nam những thập niên đã qua.
Tin chắc rằng, phòng lưu niệm “Ký ức nhiếp ảnh” sẽ là điểm đến lý tưởng của những người đam mê và yêu thích nhiếp ảnh.