Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ngành Địa chất có đóng góp vô cùng to lớn. Các nhà địa chất đã thực hiện biết bao công trình nghiên cứu cơ bản, điều tra lập bản đồ, thăm dò, đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong quá trình phát hiện các mỏ khoáng sản, dầu khí…
Đằng sau mỗi công trình và mỗi phát hiện, dù ở những chuyên ngành địa chất khác nhau như địa mạo, trầm tích, thạch học, cấu trúc… đều là những hành trình gian nan, phải đổ nhiều mồ hôi, công sức cùng sự hy sinh thầm lặng của họ mà người ngoài cuộc chưa biết hết được.
Trưng bày “Chuyện nghề địa chất” do Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam thực hiện, thông qua các kỷ vật là các hiện vật đa dạng như công cụ, nhật ký, ảnh tư liệu, mẫu đá, bản đồ… và ký ức của 22 nhà khoa học, là những nhà địa chất hàng đầu Việt Nam. Bằng việc kết hợp giữa các hiện vật với ký ức của chính các nhà khoa học, trưng bày đã đưa đến cho công chúng những bằng chứng sinh động về những chuyến khảo sát thực địa và những công trình nghiên cứu, khám phá của các nhà khoa học ngành địa chất.
Bên cạnh đó, thông qua các câu chuyện nghề, chuyện đời, cùng với kỹ thuật trưng bày hiện đại, tạo hiệu ứng về giác quan… trưng bày "Chuyện nghề địa chất" giúp công chúng phần nào hiểu được công việc lao động khoa học, có nhiều khó khăn, gian khổ nhưng cũng đầy say mê của các nhà địa chất. Họ đã đối mặt với gian khó, vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt ra sao và làm việc như thế nào trong rừng sâu hay giữa biển đảo sóng gió để vẽ nên những tấm bản đồ, cho ra đời những công trình nghiên cứu, phát hiện ra những mỏ dầu khí, khoáng sản và nhiều tài nguyên khác cho đất nước…
Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy - Giám đốc chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, trưng bày “Chuyện nghề địa chất” lựa chọn một chủ đề độc đáo là kể những câu chuyện nghề của các nhà địa chất. Mỗi ngành khoa học có những chuyện bếp núc riêng, mang lại những giá trị, bản sắc riêng. Trưng bày lần này được thực hiện mới mẻ không chỉ ở nội dung mà còn đi vào lòng người, bởi tất cả những câu chuyện chân thực của các nhà địa chất đã được tái hiện.
Bà Trần Bích Hạnh, Giám đốc điều hành Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam cho biết: Trưng bày “Chuyện nghề địa chất” là kết quả của quá trình nghiên cứu sưu tầm trong gần chục năm qua, dựa trên phương pháp nghiên cứu lịch sử cuộc đời các nhà khoa học, có sự kết hợp giữa ký ức, tài liệu, hiện vật. Để thực hiện trưng bày, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ về tài liệu, hiện vật của các nhà địa chất trong Nam, ngoài Bắc, sự đồng cảm, chia sẻ những câu chuyện cuộc đời và câu chuyện làm nghề của các nhà khoa học trong một thời gian dài.
Bà Trần Bích Hạnh chia sẻ, trưng bày được thực hiện với mong muốn nơi đây sẽ trở thành một không gian di sản tại Hà Nội cho các nhà khoa học nói chung, cũng là nơi để cho những người quan tâm có thể gặp gỡ, chia sẻ, giao lưu để tìm hiểu về di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Đồng thời, đây cũng là địa chỉ để những người ngoài ngành cũng như những thế hệ sau có thể hiểu rõ hơn về các nhà địa chất Việt Nam. Đó cũng là cách Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tri ân những nhà khoa học đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp cho đất nước.
Trưng bày 'Chuyện nghề địa chất' diễn ra đến tháng 9/2020.