Mo Mường ở Hòa Bình là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình di sản tập quán xã hội và tín ngưỡng mang nhiều giá trị đặc sắc. Thực hiện ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ về việc dự kiến lập hồ sơ các di sản văn hoá phi vật thể Mo Mường tỉnh Hòa Bình đệ trình UNESCO, UBND tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Sơn La, Phú Thọ, Ninh Bình, Đắc Lắk, Thanh Hóa và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất phối hợp xây dựng hồ sơ quốc gia Di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Đến nay, đã hoàn thành việc điền dã, khảo sát Di sản văn hóa Mo Mường trên địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Phú Thọ và thành phố Hà Nội; hoàn thành việc sưu tầm, thu thanh, ghi hình Di sản Mo Mường tại tỉnh Ninh Bình, Sơn La, Phú Thọ, Hòa Bình; hoàn thành bóc, dịch tư liệu đã sưu tầm, ghi âm, ghi hình.
Về kết quả sơ bộ khai quật khảo cổ 2 di tích cấp quốc gia mái đá Làng Vành, xã Yên Phú và hang Xóm Trại, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á cho biết, mục đích của cuộc khai quật, nhằm thu thập thêm những cứ liệu khoa học làm phong phú thêm những kiến thức về văn hóa Hòa Bình, bổ sung vào hồ sơ di tích, lịch sử văn hóa địa phương. Đồng thời, phục vụ giáo dục truyền thống và giới thiệu cho khách tham quan, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thu thập bổ sung di vật phục vụ trưng bày giới thiệu cho Bảo tàng tỉnh. Đặc biệt, đây là những bước chuẩn bị cho Hội thảo khoa học "90 năm xác lập và nghiên cứu về nền văn hóa Hòa Bình" nhằm tôn vinh những đóng góp quan trọng của nhà khảo cổ học Madeilen Colani, người có công phát hiện, nghiên cứu và định danh cho nền văn hóa Hòa Bình.
Di tích khảo cổ cấp quốc gia mái đá làng Vành, xã Yên Phú được khai quật từ ngày 15/5 đến 15/10/2022 với 4 hố thám sát và 1 hố khai quật. Qua đó phát hiện được dấu vết của một số di tích bếp lửa, các cụm xương động vật và các cụm đá tảng cuội có thể liên quan đến chỗ ngồi chế tác công cụ hay chế biến thức ăn của người tiền sử ở mái đá làng Vành; các hố bên ngoài hang không phát hiện được các dấu vết di tích; có thêm 7 niên đại tuyệt đối cho di tích mái đá làng Vành.
Di tích khảo cổ cấp quốc gia hang xóm Trại, xã Tân Lập cùng khai quật thời gian trên. Qua đó thu được nhóm các di tích bếp lửa, các tảng/khối đá kê làm nơi chế tác công cụ đá, xương và nhiều khả năng có liên quan đến hoạt động chế biến thức ăn của người tiền sử; thu thập được một lượng mẫu lớn phục vụ cho công tác phân tích giám định niên đại tuyệt đối, thạch học, bào tử và phấn hoa...