Chung tay bảo tồn
Đại Nội Huế là một trong những di tích thuộc cụm quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1993. Nhưng để trở thành một điểm du lịch hàng đầu như hiện nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã rất nỗ lực đưa Đại Nội Huế từ trạng thái cứu nguy khẩn cấp theo khuyến nghị của UNESCO sang giai đoạn phát triển và phát huy giá trị di tích.
Chỉ tính trong năm 2016, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã xây dựng kế hoạch đầu tư 129 tỷ đồng trùng tu các di tích Huế. Trong đó, một số di tích như Thái Bình Lâu, Điện Chiêu Kinh, Phu Văn Lâu... sẽ hoàn tất việc trùng tu. Trước đó, năm 2015 nhiều di tích tại Huế cũng đã được đầu tư, tu bổ với tổng kinh phí 163 tỷ đồng.
Du khách tham quan Đại Nội Huế. |
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: “Đến nay, toàn bộ 132 công trình, hạng mục di tích tiêu biểu ở Đại Nội Huế đã được trùng tu”.
Ngoài nguồn lực trong nước, việc tiếp cận, giới thiệu, hợp tác quốc tế trong trùng tu di tích Cố đô Huế ngày càng mang lại hiệu quả rõ rệt. Bắt đầu từ cuộc vận động quốc tế tài trợ cho di tích Huế theo lời kêu gọi của UNESCO, đã có hơn 50 tổ chức quốc tế, đứng đầu là các tổ chức chính phủ, phi chính phủ của các nước Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Đức... hỗ trợ kinh phí để tiến hành các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn các di sản thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân còn cử chuyên gia đến Huế tham gia công tác trùng tu di tích như: Ba Lan cử các chuyên gia Xí nghiệp Bảo tồn tài sản văn hóa Ba Lan giúp xử lý chống mối mọt và bảo tồn trùng tu công trình Thế Tổ Miếu, với số tiền 900.000 USD; nhóm chuyên gia đến từ Đức đã giúp phục hồi các bức tranh tường ở cung An Định; Quỹ Toyota Nhật Bản tài trợ cho hơn 10 đề tài nghiên cứu khoa học của các cán bộ nghiên cứu thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế. Gần đây, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đạt được một số thỏa thuận hợp tác với các tổ chức quốc tế như Viện Nghiên cứu Di sản thế giới UNESCO Waseda - Nhật Bản về trùng tu điện Long An (Thái Miếu triều Nguyễn) và việc phục hồi điện Cần Chánh.
Phát huy giá trị di tích
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức chương trình Dạ nhạc tiệc Hoàng cung tại Đại Nội cho gần 1.000 khách của tàu biển Celebrity Century đến Huế tham dự. Chương trình mở ra cơ hội quan trọng để Thừa Thiên - Huế quảng bá chương trình dạ tiệc Hoàng cung, một sản phẩm du lịch mới, lâu nay chỉ chuyên phục vụ trong các kỳ Festival Huế.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết, ngoài điện Cần Chánh, với những dạ tiệc có lượng khách vừa phải, trung tâm còn tổ chức ở nơi có không gian đẹp là Nhà hát Duyệt Thị Đường. Ngoài ra, vào các dịp lễ, Tết Trung tâm miễn vé vào cửa cho nhân dân và khách du lịch là người Việt Nam (kể cả Việt kiều) đến tham quan hệ thống di tích Cố đô Huế. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế còn tổ chức biểu diễn "Ngũ lân nghinh Xuân" tại Ngọ Môn; trình diễn thư pháp, trò chơi cung đình và dân gian, trình diễn lân, sư, rồng tại sân Điện Thái Hòa; lễ Đổi gác tại Ngọ Môn; trình tấu Đại nhạc, tiểu nhạc tại sân Thế Miếu và sân điện Thái Hòa...
Đáng chú ý, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế còn tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị quốc gia và quốc tế về chủ đề nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật và xuất bản hơn 20 công trình nghiên cứu về văn hóa Huế. Sắp tới, trung tâm tiếp tục nghiên cứu, đầu tư xây dựng không gian giới thiệu tổng thể di tích Huế; tổ chức các loại hình dịch vụ mới lạ tại các điểm di tích… tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận thông tin tổng quan về di sản văn hóa Huế.