Với 90 bức ảnh, 90 câu chuyện về 90 người phụ nữ Việt Nam, trong số đó có những bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người phụ nữ nỗ lực hết mình trong công tác và cũng có những người chỉ đơn thuần là những người vợ, người mẹ bình dị trong cuộc sống đời thường… Có thể nói, những bức ảnh của Đại tá, nhà báo, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng trong triển lãm “Mẹ” đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã gây xúc động mạnh đến công chúng trong và ngoài nước.
Kể chuyện Mẹ Việt Nam bằng ảnh
Những ngày cuối tháng 10/2020, nhiều du khách đến tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam không khỏi xúc động với những hình ảnh, câu chuyện về những người mẹ Việt Nam trong triển lãm “Mẹ” đang trưng bày tại đây. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện kể ấn tượng về một người phụ nữ Việt Nam.
Chị Phạm Thu Hương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đứng lặng người trước bức ảnh “Đợi con”, chụp mẹ Nguyễn Thị Thứ (xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam) ngồi bên mâm cơm, giữa mâm là một bát hương, xung quanh có 9 bộ bát đũa. Mẹ ngồi lặng lẽ, nhưng khuôn mặt kiên định của mẹ vẫn ánh lên những tia hy vọng.
Chị Phạm Thu Hương xúc động chia sẻ, đây không phải là lần đầu tiên chị thấy bức ảnh này, bởi chị đã từng nhìn thấy bức ảnh này ở trong một vài triển lãm khác của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng, nhưng lần nào, hình ảnh người mẹ già ngồi cô đơn trước mâm bát đũa, bóng dáng lẻ loi của mẹ hắt lên di ảnh của các con ở phía sau lưng… cũng khiến chị rơi nước mắt. “Nhìn mẹ ngồi đó mà xót xa quá đỗi. Không nỗi đau nào bằng nỗi đau của người mẹ mất con, vậy mà mẹ Thứ mất tới 9 người con, không mấy người có thể chịu được nỗi đau khủng khiếp ấy”, chị Phạm Thu Hương chia sẻ.
Cảm xúc của chị Hương cũng là cảm nhận chung của nhiều khách tham quan khác khi ngắm bức ảnh này, bởi hình ảnh người mẹ già cô đơn, khắc khoải ngồi chờ các con trong vô vọng ấy khiến người xem cảm nhận những nỗi đau khủng khiếp mà chiến tranh gây ra, cũng như sự hy sinh, mất mát lớn lao của những người Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng cho biết, ông chụp bức ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ năm 2001. Ông đến nhà mẹ Thứ vào buổi trưa, đúng lúc mẹ đang bày mâm mời các con về dùng bữa. Khi ấy, mẹ Thứ nói với ông: “Tôi vẫn đợi chúng nó về, 9 thằng chắc chắn có 1 thằng nó về với tôi, chắc chắn thế!”. Hình ảnh một mình mẹ ngồi đó, lặng lẽ bên mâm cơm chờ các con ấy gây xúc cảm mạnh cho ông và ông đã ghi lại khoảnh khắc đặc biệt này. “Mẹ Thứ có chồng, 9 người con ruột, một con rể và hai cháu ngoại là liệt sỹ. Đây là hình ảnh tiêu biểu cho một giai đoạn hy sinh mất mát lớn của dân tộc để đổi lấy hòa bình”, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng chia sẻ.
Không chỉ hình ảnh của mẹ Thứ, mà nhiều bức ảnh khác trong triển lãm “Mẹ” của Đại tá Trần Hồng cũng khiến người xem xúc động, ám ảnh. Đó là hình ảnh mẹ Huỳnh Thị Tải ở xã Hòa Kiến, thị xã Tuy Hòa, Phú Yên khắc khoải với nỗi đau bởi chồng và 4 người con ra trận không ai trở về. Là hình ảnh mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Khánh - người mẹ của 7 liệt sỹ một mình ngồi ăn bữa cơm đạm bạc trong căn nhà đơn sơ ở ấp Tám Ngàn, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang.
Công chúng cũng không khỏi xót xa với hình ảnh mẹ Nguyễn Thị Tứ ở Quảng Xương, Thanh Hóa, với gương mặt khắc khổ, hằn sâu nỗi đau khi cùng lúc nhận 3 giấy báo tử của 3 người con. Mẹ Trần Thị Em ở Thạch Quý, Hà Tĩnh vì khóc con ngày đêm đến lòa cả đôi mắt. Mẹ Nguyễn Thị Lộc với mơ ước cuối cùng là tìm được hài cốt 3 người con trước khi về cõi vĩnh hằng…
Có thể nói, những bức chân dung về các Mẹ Việt Nam Anh hùng của Đại tá, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng đã mang đến xúc cảm mạnh mẽ, chạm đến tâm can người xem. Những gương mặt già nua, hằn sâu những nếp nhăn, những đôi mắt buồn bã, cô đơn, khắc khoải thể hiện nỗi đau khôn nguôi của những người mẹ vĩnh viễn mất đi những người con của mình…
Bên cạnh chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng trong chủ đề “Mẹ - hằn sâu nỗi nhớ”, 2 chủ đề khác trong triển lãm “Mẹ” của Đại tá Trần Hồng là “Mẹ - khoảnh khắc đời thường” và “Tự hào những người Mẹ Việt Nam” còn đưa người xem đến với những người phụ nữ, những người Mẹ Việt Nam giỏi giang, kiên cường khác trong những khoảnh khắc đời thường.
Đó là Nữ tướng Nguyễn Thị Định trên chuyến tàu nối liền hai miền Bắc - Nam, ngày 31/12/1976; chân dung người vợ tận tụy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; chân dung của mẹ liệt sỹ Đặng Thùy Trâm; mẹ của Anh hùng Lực lượng vũ trang, Trung tướng Nguyễn Văn Cốc - phi công MiG21 bắn rơi 9 máy bay Mỹ… Đó cũng là chân dung của bà Huỳnh Tiểu Hương, vốn là trẻ lang thang ở Dĩ An (Bình Dương), bằng nghị lực phi thường, đã vượt lên tất cả và trở thành điểm tựa, thành "mẹ" của hơn 300 trẻ em bị bỏ rơi ở nhiều độ tuổi từ sơ sinh cho đến 6 tuổi; hay chân dung những nhà nghiên cứu, nhà khoa học nữ đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển của nước nhà, hoặc đơn giản chỉ là hình ảnh những người mẹ Việt Nam bình dị với thiên chức cao quý của người phụ nữ là làm vợ, làm mẹ… Mỗi bức ảnh là một hình ảnh đẹp, một câu chuyện và một kỷ niệm của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng với những người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang.
Chụp mẹ với tình yêu từ trái tim
Đại tá, nhà báo, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng quê ở Hà Tĩnh. Năm 19, ông nhập ngũ trở thành lính thông tin thuộc Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn. Năm 1973, ông tốt nghiệp khóa 1 chuyên ngành Nhiếp ảnh trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) và trở thành phóng viên ảnh báo Quân đội Nhân dân.
Những người quen biết hoặc đã từng gặp Đại tá Trần Hồng đều có chung một cảm nhận: Trần Hồng là một người có tính cách hào sảng và luôn có một niềm đam mê kỳ lạ với nhiếp ảnh. Ông say mê chụp ảnh mọi lúc, mọi nơi, ông lưu giữ và trân quý từng tác phẩm của mình. Ông bảo, ông chụp ảnh không giỏi, chỉ trung bình, nhưng bù lại ông có niềm say mê với nhiếp ảnh và chỉ riêng sự say mê đó đã giúp ông “thắng” được 50% mỗi khi chụp ảnh rồi.
Đại tá Trần Hồng chia sẻ, hơn 45 năm trong nghề, ông đã chụp hàng hàng trăm nghìn bức ảnh. Nhưng có hai mảng đề tài khiến ông say mê nhất, đó là chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chụp các bà mẹ Việt Nam, những người phụ nữ Việt Nam.
Nói về lý do khiến ông đặc biệt say mê với những bức ảnh về những người phụ nữ, những bà mẹ Việt Nam, Đại tá Trần Hồng cho biết, câu chuyện bắt đầu từ chính người mẹ của ông. Trong một lần được đơn vị cho về phép, ông bất chợt nhận thấy niềm vui vô bờ của mẹ ông khi được chăm sóc cho con mình. Và ông nghĩ, tuy niềm vui nhỏ như thế nhưng có hàng vạn thậm chí hàng triệu bà mẹ trên khắp đất nước không được hưởng, nhất là những bà mẹ mất con bởi chiến tranh. Chính vì vậy, sau này, khi cơ duyên đưa ông đến với nhiếp ảnh, ông dành rất nhiều thời gian, đi khắp mọi miền đất nước để ghi lại hình ảnh những người mẹ Việt Nam.
Với Trần Hồng, được chụp mẹ là niềm vui, là niềm hạnh phúc vô bờ bến, không gì sánh được. Mỗi khi đến với các bà mẹ Việt Nam, ông mang theo tình cảm của một người con trở về với mẹ của mình, chứ không chỉ đơn thuần là một người nghệ sỹ đến chụp ảnh về các mẹ như nhiều người khác. Mỗi khi có điều kiện, thu xếp được thời gian, công việc, là ông lại đi thăm các mẹ. Có những bà mẹ ông đã đến thăm nhiều lần trong nhiều năm.
Khi được hỏi về những cảm xúc, những kỷ niệm của mình khi chụp ảnh về các Mẹ Việt Nam, Nghệ sỹ Trần Hồng chia sẻ, với ông, mỗi bức ảnh đều gắn với những kỷ niệm, đều để lại trong ông những ấn tượng khó quên. Nhưng khó quên nhất, ám ảnh và khiến ông day dứt nhiều nhất, là khi ông chụp các Mẹ Việt Nam Anh hùng, bởi khi gặp các mẹ, ông lại chứng kiến các mẹ đau đớn, buồn tủi trong nỗi nhớ con mà ông không giúp gì được. Rồi nghệ sỹ Trần Hồng kể, lần ông đến nhà mẹ Huỳnh Thị Tải, vừa nhìn thấy ông mặc quân phục bước vào nhà, mẹ đã òa khóc rất to, nước mắt mẹ chảy dài theo các nếp nhăn khắp khuôn mặt mẹ, ướt nhòe. Mẹ nhớ chồng, nhớ con nên cứ nhìn thấy đồng đội cũ của con đến thăm là mẹ lại òa khóc, chứng kiến cảnh ấy, ông cũng không cầm được nước mắt. Hay những lần ông đến nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Khánh ở ấp Tám Ngàn, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang.
“Mẹ Khánh có 7 con trai đều là liệt sỹ. Hai lần tôi đến, cứ nhìn thấy tôi mặc quân phục giống các con, mẹ lại khóc, làm tôi không tài nào nâng máy ảnh lên được. Lần thứ ba, tôi dừng lại thật lâu trước ngõ, nhìn vào căn nhà đơn sơ, nhẹ nhàng nâng máy chụp vài bức ảnh trước khi tôi vào ôm chầm lấy mẹ”, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng nghẹn ngào nhớ lại.
Từng là một người lính bước ra từ chiến trường, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng thấu hiểu được sự hy sinh, nỗi đau mất mát và nghị lực của các bà mẹ Việt Nam, chính vì vậy, ông luôn dành tình cảm tốt đẹp và sâu đậm nhất cho những người Mẹ Việt Nam. Với ông, bất cứ người mẹ Việt Nam nào, dù trong chiến tranh hay ở thời bình đều vĩ đại và đáng được tôn vinh, bởi người mẹ nào cũng chịu đựng, hy sinh rất lớn và dành tình yêu vô bờ cho các con của mình. Chính vì vậy, khi chụp ảnh các mẹ, dù đó là một Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, là một vị giáo sư, một nữ anh hùng hay các bà mẹ bình thường… ông đều trân trọng và chụp bằng tất cả tình yêu từ trái tim mình.
Nghệ sỹ Trần Hồng chia sẻ, từ những bức ảnh trong Triển lãm, chúng ta thấy đâu đó bóng dáng của chính những người mẹ, người bà của mình.
“Với triển lãm này tôi muốn tri ân đến các thế hệ phụ nữ Việt Nam - những con người với tình yêu thương vô bờ, tấm lòng vị tha, đức hy sinh cao cả và trái tim nhân hậu để chúng ta - những người con, người cháu thêm tự hào, yêu thương và trân trọng họ”. Đó cũng là lý do tác giả trao tặng 90 bức ảnh trưng bày tại triển lãm cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam để vẻ đẹp, cùng hình ảnh của các mẹ sẽ còn được lưu giữ mãi và giới thiệu tới nhiều thế hệ sau.