Đảm bảo nguồn vật liệu cho trùng tu Điện Thái Hòa

Công tác trùng tu các di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đòi hỏi cao về nguồn vật liệu đặc thù như ngói, gỗ, đi kèm những họa tiết, hoa văn… nhằm đảm bảo độ chân xác so với công trình ban đầu.

Chú thích ảnh
Ông Đặng Uyển cẩn thận kiểm tra, khắc gọt những hoạ tiết hoa văn trên những viên ngói mộc trước khi được tráng men và đưa vào lò nung. 

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang thực hiện Dự án Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa, công trình kiến trúc quan trọng bậc nhất ở khu vực Hoàng Thành Huế. Công tác giám sát chất lượng nguồn vật liệu được đặt lên hàng đầu.

Dự án bảo tồn Điện Thái Hòa được khởi công vào cuối năm 2021, với tổng vốn đầu tư gần 129 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối tháng 8/2025. Điện Thái Hòa là nơi nhà vua ngự ngai vàng, tổ chức các buổi thiết triều, đại lễ và nghi thức quan trọng, ghi dấu lịch sử thăng trầm của 13 vị Hoàng đế nhà Nguyễn.

Hiện nay, công trình đã được hạ giải phần mái, hệ thống khung cột gỗ để thực hiện các bước tu bổ tổng thể ngôi điện này. Công trình có phần mái thượng chính điện, mái thượng tiền điện và mái hạ với tổng diện tích hơn 1.700m2, theo thiết kế sẽ được lợp loại ngói ống hoàng lưu ly. Hai mái lưa phía trước và sau với diện tích hơn 120m2 sẽ được lợp loại ngói liệt tráng men vàng.

Nét đặc trưng riêng có ở các công trình kiến trúc cung đình triều Nguyễn chính là phần mái được lợp bởi hai loại ngói hoàng lưu ly và thanh lưu ly. Màu sắc của những viên ngói không chỉ thể hiện cho sự phân biệt quyền lực tối cao của nhà vua, còn chứa đựng giá trị thẩm mỹ, triết lý sâu xa.

Xưởng sản xuất ngói gốm cổ Huế của ông Đặng Uyển ở thành phố Huế là đơn vị được nhà thầu lựa chọn để sản xuất phần ngói phục vụ dự án trùng tu Điện Thái Hòa. Theo ông Đặng Uyển, hiện nay, xưởng đang trong giai đoạn bàn thảo để thống nhất với chủ đầu tư, nhà thầu về kích cỡ, màu sắc, họa tiết hoa văn trên viên ngói và đã nung thử nghiệm sản phẩm mẫu.

“Điện Thái Hòa cần một lượng ngói tráng men lớn với khoảng 193.000 viên để lợp trên phần mái của ngôi điện. Đây là một trong những công trình trọng điểm Xưởng sản xuất ngói gốm cổ Huế dành nhiều tâm huyết, công sức, tập trung huy động nguồn lực với những người thợ lành nghề, để đáp ứng yêu cầu cao nhất về chất lượng, cũng như tiến độ của chủ đầu tư. Thời gian dành cho công tác chuẩn bị, tiến hành sản xuất khối lượng đơn đặt hàng trên kéo dài khoảng 36 tháng, với nguồn đất sét nguyên liệu cần sử dụng là hơn 550 tấn”, ông Đặng Uyển chia sẻ.

Phần ngói có vai trò rất quan trọng đối với công trình kiến trúc bằng gỗ, nếu không đảm bảo chất lượng sẽ thấm dột vào mùa mưa. Đồng thời, màu sắc và họa tiết trên những viên ngói cũng chính là điểm nhấn quan trọng cho công trình kiến trúc triều Nguyễn. Qua quá trình nhiều năm nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm, tháng 8/2022, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với các mẫu ngói cung đình tại Xưởng sản xuất ngói gốm cổ Huế của ông Đặng Uyển.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, nguồn vật liệu đưa vào các công trình di tích hiện nay đòi hỏi nhiều yêu cầu khắt khe, trong khi những sản phẩm này không bán rộng rãi trên thị trường, thường sản xuất theo đơn đặt hàng, với hoa văn họa tiết phải đảm bảo theo yếu tố gốc của công trình trùng tu. Đối với sản phẩm ngói lợp, may mắn tại thành phố Huế đã có cơ sở sản xuất được những viên ngói tráng men cung đình chất lượng với nước men tươi, bóng, đảm bảo độ bền, tạo nguồn cung vật liệu tại chỗ ổn định, thuận lợi cho công tác trùng tu di tích về lâu dài.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, công trình Điện Thái Hòa có diện tích rộng gần 1.000m2, với 80 cây cột gỗ, 16 cột bêtông. Hiện nay, toàn bộ kết cấu khung gỗ của ngôi điện đã được hạ giải xuống hoàn toàn và đang trong quá trình phân loại, đánh giá sơ bộ chất lượng các cấu kiện, trước khi trình hội đồng đánh giá di tích xem xét, đưa ra giải pháp tu bổ. Các cấu kiện hư hỏng hoàn toàn sẽ được phục hồi mới. Những cấu kiện hư hỏng ít sẽ được xử lý nối vá, nối mộng. Những cấu kiện còn tốt sẽ tái sử dụng hoàn toàn. Qua đó, nhằm tránh tình trạng “làm mới” hay biến dạng di tích sau trùng tu.

Chú thích ảnh
 Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung (bên phải) kiểm tra sản phẩm gạch trang trí tráng men sẽ được sử dụng để trùng tu Điện Thái Hòa.

Nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của nguồn vật liệu gỗ phục vụ công tác trùng tu Điện Thái Hòa cũng được nhà thầu là Công ty Cổ phần tu bổ Di tích Huế cam kết thực hiện theo quy định pháp luật.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, sau 30 năm, khi UNESCO công nhận Quần thể Di tích Cố đô Huế là Di sản Văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam, đến nay, khoảng 170 hạng mục công trình thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế được trùng tu, tôn tạo. Quá trình này vẫn đang tiếp tục thực hiện thời gian tới.

Bài, ảnh: Đỗ Trưởng (TTXVN)
Trùng tu Điện Thái Hòa thận trọng và khoa học
Trùng tu Điện Thái Hòa thận trọng và khoa học

Với lịch sử hình thành hơn 200 năm, Điện Thái Hòa là ngôi điện quan trọng nhất trong khu vực Hoàng thành Huế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN