Tại Việt Nam, Chiến lược công nghiệp văn hóa đất nước năm 2020, tầm nhìn 2030 đã khẳng định vai trò cũng như cơ hội, thách thức của CNVH ở nước ta đối với sự phát triển KT-XH. Cùng với đó là Đề án chiến lược phát triển CNVH đến 2030, tầm nhìn 2045. CNVH ở Việt Nam (gồm 12 ngành, trong đó có MTUD) là những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, trong đó có nhiều ngành cần nhân lực được đào tạo trong lĩnh vực MTUD. Nhiều ngành MTUD đang “hot” trong thời đại phát triển công nghệ 4.0 như Thiết kế đồ họa quảng cáo sự kiện, Thời trang, Game, mỹ thuật truyền thông đa phương tiện… Đó là cơ hội lớn cho các nhà trường đào tạo MTUD hiện nay.
Tuy nhiên, MTUD nói chung và đào tạo MTUD nói riêng vẫn còn rất nhiều thách thức. Trước hết đó là từ sự đổi mới của các nhà quản lý còn chưa theo kịp yêu cầu; thị trường văn hóa nội địa yếu, GDP từ CNVH mới chỉ chiếm 0,7% là quá thấp và quá chậm; chưa có sự kết hợp giữa tư duy sáng tạo với sản xuất theo công nghệ và bảo vệ bản quyền.
Thị trường lao động trong các ngành CNVH, trong đó có MTUD, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng chương trình đào tạo MTUD vẫn còn chưa theo kịp với môi trường văn hóa số, kinh tế sỗ, xã hội số và công dân số; chú trọng đào tạo kỹ năng mà chưa coi trọng đào tạo tư duy sáng tạo.
Thách thức không nhỏ với đào tạo MTUD trong bối cảnh phát triển CNVH là nhận thức về mối quan hệ giữa nghệ thuật và công nghệ. Trong đó, công nghệ là cơ sở cho phát triển MTUD, và ngược lại, nghệ thuật là động lực phát triển công nghệ.
Một vấn đề nữa cũng được các tham luận của Hội thảo đặt ra, đó là vấn đề đạo đức (bản quyền) và giữ gìn bản sắc dân tộc trong sáng tạo.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS-TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban VHGD của Quốc hội khẳng định: Sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý, giảng viên, nghệ sĩ… đã chứng tỏ chủ đề của hội thảo là rất quan trọng với cả hiện tại và tương lai, đang là vấn đề nóng trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa và đào tạo MTUD Việt Nam. Mong rằng sau Hội thảo, các vấn đề đặt ra và thảo luận sẽ đi vào thực tế, có tác dụng thúc đẩy việc đào tạo MTUD nói riêng và phát triển KT-XH nói chung.
Với tư cách chủ nhà đăng cai hội thảo, PGS.TS Lê Quân - Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc phát biểu: Hy vọng Hội thảo Đào tạo MTUD trong bối cảnh phát triển CNVH thực sự là một diễn đàn liên kết, tạo tiếng nói chung giữa các đơn vị đào tạo MTUD, làm sao để chúng ta có thể hội nhập sâu rộng với thế giới cả về mỹ thuật và công nghệ, đồng thời vẫn giữ gìn bản sắc riêng của mình.
Hội thảo Đào tạo MTUD là hoạt động khoa học quan trọng nhất năm 2024, trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 55 năm thành lập trường ĐH Kiến trúc Hà Nội.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, Ban tổ chức đã khai mạc triển lãm trưng bày 27 đồ án thiết kế MTUD xuất sắc nhất của 13 đơn vị đào tạo MTUD trong toàn quốc.