Sự kiện do Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại UNESCO tổ chức tại Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp đã một lần nữa tạo ấn tượng mạnh mẽ.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, nhấn mạnh ý nghĩa của những Ngày Việt Nam tại Pháp, đặc biệt trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược. Nhắc lại mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một tương lai mà hai nước cùng nhau xây đắp, Thứ trưởng cho rằng với sợi dây liên kết về lịch sử, văn hóa, Việt Nam và Pháp đã cùng nhau vượt qua nhiều thử thách thăng trầm, để thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 12/4/1973, và quan hệ Đối tác chiến lược vào ngày 25/9/2013.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, hiện nay, Việt Nam và Pháp đang thúc đẩy các cơ chế hợp tác song phương trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, Pháp ngữ, hợp tác địa phương... Trong đó, hợp tác văn hóa là một điểm sáng, đặc biệt trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển ngành công nghiệp văn hóa và hợp tác du lịch. Đó là lý do mà cả hai nước đã chọn chủ đề "Văn hóa sẻ chia" để kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao. Thứ trưởng cho rằng chủ đề này thể hiện đầy đủ tầm quan trọng của văn hóa trong quan hệ hai nước, góp phần làm sâu sắc và gia tăng sự tin cậy trong quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp.
Trong hai ngày, chương trình "Ngày Việt Nam tại Pháp" đã giới thiệu một không gian văn hóa, nghệ thuật và ẩm thực dân tộc phong phú và đa dạng, mang đến cho khách mời những ấn tượng mạnh mẽ về một Việt Nam tươi đẹp, thanh bình, mến khách, phát triển năng động, giàu truyền thống văn hóa, giúp Việt Nam đến gần hơn với bạn bè và người dân Pháp.
Nặn tò he, khắc tranh sơn mài, in tranh Đông Hồ, khoác lên mình các bộ lễ phục triều Nguyễn, thưởng thức các điệu múa lân sư rồng, lắng nghe những làn điệu dân ca ba miền, hay chiêm ngưỡng những màn trình diễn võ cổ truyền Vovinam; tận hưởng hương vị của nem rán, phở Thìn... Đó là những khoảnh khắc vô cùng thú vị và ấn tượng mà bất kỳ ai khi đến với Ngày Văn hóa Việt Nam tại Pháp đều được trải nghiệm.
Nhận con gà trống Gaulois từ bàn tay nghệ nhân nặn tò he, ông Alain Bonnet bày tỏ sự thích thú trước sự khéo léo của nghệ nhân.
Trong khi đó, đến với ngày hội cùng các bạn sinh viên Việt Nam, cô gái trẻ Vanessa Martinez, người Mexico, bày tỏ ấn tượng với kỹ thuật làm tranh sơn mài. Cô cho biết với những chất liệu và dụng cụ chuyên dụng, cùng sự hướng dẫn của nghệ nhân, cô đã có thể biết được quy trình làm một bức tranh trên chất liệu này.
Nhân dịp này, phu nhân cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam, bà Armelle Warnery, đã giới thiệu tới khách tham quan bộ ảnh "Việt Nam tôi yêu", lưu lại góc nhìn của cá nhân bà về phong cảnh đất nước và con người Việt Nam. Bà cho biết rất yêu văn hóa Việt Nam; thích giới thiệu về âm nhạc, các điệu múa, bài hát, bài thơ để tăng sự hiểu biết của mọi người về cội nguồn của Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN về thành công của sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho biết buổi biểu diễn nghệ thuật cùng các phần giới thiệu đặc sắc về những nét văn hóa và ẩm thực của Việt Nam đã thu hút sự chú ý của đông đảo bạn bè Pháp và cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, với những ấn tượng vô cùng sâu sắc. Theo đại sứ, sự kiện đã rất thành công vì không chỉ tôn vinh văn hóa và bản sắc Việt Nam, mà còn để lại trong lòng bạn bè Pháp và bà con kiều bào những tình cảm sâu sắc về đất nước và con người Việt Nam, cũng như tình hữu nghị giữa hai dân tộc Pháp và Việt Nam.
Tại sự kiện này, cả Thượng nghị sĩ Danh dự Hélène Luc và Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đều nhắc đến nhận định sâu sắc của Tổng thống Pháp Jacques Chirac trong chuyến thăm Việt Nam năm 2004 rằng: “Tiếng nói của Việt Nam đã chạm đến trái tim của người Pháp”. Lời nhận xét đó đã nói lên tất cả tình cảm mà hai dân tộc dành cho nhau. Giờ đây, Việt Nam và Pháp đang đứng trước cơ hội phát triển, tương xứng với vị thế, tiềm năng của mỗi bên, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.