Chi phí đầu tư khổng lồ
Những năm gần đây, thị trường điện ảnh của Việt Nam trở thành “miếng bánh” ngon thu hút nhiều “ông lớn” muốn đầu tư. Tính đến nay, mức độ phủ sóng của rạp CGV, Lotte (Hàn Quốc) đã chiếm tới 2/3 thị trường rạp chiếu tại Việt Nam. Riêng rạp CGV của tập đoàn CJ (Hàn Quốc) đã gần như có mặt tại tất cả các tỉnh thành lớn ở Việt Nam, tại TP Hồ Chí Minh có đến 18 rạp, Hà Nội có 12 rạp, còn lại là những rạp tại Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Đắk Lắk, Yên Bái... Tại Việt Nam, nhu cầu giải trí của người dân, đặc biệt là giới trẻ ngày càng tăng, vậy nên thị trường kinh doanh rạp chiếu phim trong tương lai sẽ càng phát triển hơn.
Rạp chiếu hạng goldclass siêu sang của CGV có mức giá 300.000 đồng/vé. |
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng giám đốc của Công ty TNHH Bình Hạnh Đan, đơn vị sở hữu cụm rạp BHD cho biết: “Ở bất cứ quốc gia nào, sau khi đã lo cơm ăn, áo mặc, mọi người sẽ quan tâm đến vấn đề tinh thần. Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, khi mọi người đã qua giai đoạn lo miếng cơm manh áo thì mọi người sẽ bắt đầu nghĩ đến vấn đề giải trí về tinh thần. Đó là lý do vì sao mà các dịch vụ về giải trí như rạp chiếu phim phát triển”. Bà Hạnh nhấn mạnh rằng, sản xuất phim ở Việt Nam có 99% doanh thu thu được là từ rạp, 1% là từ truyền hình. Điều đó khẳng định được sức ảnh hưởng của thị trường này và sự phát triển lớn mạnh trong lĩnh việc kinh doanh rạp chiếu phim ở Việt Nam. Tuy nhiên, có một thực tế là lợi nhuận thu từ rạp chiếu phim rất lớn, nhưng chi phí để đầu tư kinh doanh rạp chiếu phim càng lớn hơn và doanh thu đạt được lại chậm và khó lấp đầy được khoản phí này.
Mức chi phí phụ thuộc vào quy mô (cách thiết kế, số lượng phòng chiếu, chi phí về máy móc, thiết bị...) và vị trí của từng rạp, nhưng về cơ bản, để có được một rạp chiếu phim, nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra từ 3 triệu USD đến 8 triệu USD (khoảng 60 - 80 tỷ đồng), nhưng để thu về tiền đầu tư ban đầu, nhà đầu tư cũng sẽ mất khoảng thời gian nhiều năm. Chỉ tính riêng về khấu hao máy móc, thiết bị, ít nhất nhà đầu tư sẽ mất từ 5 - 10 năm, không thể vội khấu hao nhiều vì doanh nghiệp sẽ lỗ. Bà Hạnh cho biết thêm: “Chi phí thuê mặt bằng làm rạp chiếu phim cực kỳ đắt đỏ!”. Vấn đề quan trọng khi kinh doanh rạp chiếu phim là phải tìm được những mặt bằng có vị trí đẹp, thuận lợi bên cạnh các yếu tố: triển vọng về dân số khu vực, mức độ quan tâm, sức cạnh tranh so với các đối thủ trong cùng khu vực.
Mỗi doanh nghiệp đều có cách làm riêng nhưng thường là kết hợp với sự ra đời của các trung tâm thương mại vì đó là nơi tập trung hút khách cũng như có thể giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu. Mặt khác, môi trường bên trong rạp chiếu vẫn luôn được các nhà khai thác rạp quan tâm. Môi trường, không gian thoải mái cho khán giả được xem là một yếu tố giữ chân khách. Rạp chiếu phim ngày nay không đơn thuần là nơi khán giả tới xem phim rồi ra về, đó còn là nơi người ta ngồi lại để trò chuyện, chụp ảnh. Một số hãng nước ngoài còn mang vào công nghệ phòng chiếu hiện đại, như ScreenX là công nghệ chiếu phim có màn hình 270 độ với hình ảnh được mở rộng từ màn hình chính sang dọc hai bên tường khán phòng, hay phòng chiếu có giường nằm sang trọng.
Kết hợp nhiều dịch vụ
So với các ngành kinh doanh khác ở Việt Nam, kinh doanh rạp chiếu phim là một ngành khó có thể bù đắp được số tiền đầu tư, nó chậm có lời, và phải lấy số lượng và sự dài hơi trong kinh doanh để vận hành. Có 3 nguồn thu làm nên tổng doanh thu của một rạp chiếu phim, nguồn thu từ việc bán vé xem phim, bán đồ ăn uống và nguồn quảng cáo trong rạp. Tùy từng rạp chiếu phim mà thị phần các nguồn thu có sự chênh lệch, nhưng nguồn thu chủ yếu vẫn là từ việc bán vé. Nguồn thu từ vé thường chiếm 65 - 70% tổng doanh thu của một cụm rạp. Một nhà đầu tư rạp chiếu phim cũng cho biết: “Rạp phim nào thành công là rạp bán được bắp và nước tốt, bởi vì nếu chỉ trông chờ vào tiền bán vé thì rạp chiếu phim không thể có lãi, phải có nguồn thu bổ sung từ việc bán đồ ăn, đồ uống trong rạp”. Ở tất cả các rạp chiếu phim đều có riêng một quầy bán đồ ăn, đồ uống, trong đó, bắp rang bơ và nước ngọt là 2 thứ được ưa chuộng nhất.
Với mức giá khá cao, từ 80.000 - 100.000 đồng cho 1 cốc nước ngọt và 1 gói bắp rang bơ. Giá đồ ăn, đồ uống trong rạp chiếu phim luôn đắt hơn so với bên ngoài, thậm chí gấp đôi, gấp ba. Có lẽ vì đây là một thói quen khi đi xem phim rạp đã được hình thành từ rất lâu, cũng có lẽ vì các rạp chiếu phim luôn cấm người xem mang thực phẩm bên ngoài vào phòng chiếu. Điều này biến việc kinh doanh thực phẩm trong rạp chiếu phim trở thành một nguồn thu siêu lợi nhuận, bởi tính độc quyền của nó. Nó có thể giúp cho nhà đầu tư tăng thêm khoảng 40 - 50% lợi nhuận. Với sự phát triển “bùng nổ” như hiện nay của ngành giải trí nói chung và ngành kinh doanh phim nói riêng, việc kinh doanh rạp chiếu phim là siêu lợi nhuận, nhưng “miếng bánh” này có lẽ chỉ dành cho các “ông lớn” mới đủ sức theo đuổi "cuộc chơi" đến cùng!