Đưa nghệ thuật truyền thống trở thành một phần trong tour du lịch đang là xu hướng được rất nhiều đơn vị nghệ thuật và các công ty du lịch khai thác. Cách làm này mang lại những hiệu quả rất cao, cả trong việc quảng bá văn hóa truyền thống của Việt Nam đến bạn bè quốc tế và trong việc giúp các đơn vị nghệ thuật và công ty du lịch mở rộng hoạt động của mình và tăng doanh thu.
Khi tiếng trống, tiếng chiêng và điệu múa, lời ca cất lên tại ngôi nhà sàn bản Poom Cọng (Mai Châu, Hòa Bình), đoàn khách Pháp theo dõi rất chăm chú. Ông Thomas Sultan, du khách Pháp cho biết: "Tôi đã đọc giới thiệu trên sách hướng dẫn nhưng trải nghiệm thực tế các điệu múa xòe, nhảy sạp tại khu vực Tây Bắc là một trải nghiệm thú vị".
Đã khá lâu nay, các công ty du lịch đã khai thác các điểm giới thiệu văn hóa truyền thống như một nét đặc sắc trong tour du lịch khám phá đất nước Việt Nam. Ví như đến Mỹ Sơn (Quảng Nam) có chương trình biểu diễn của người Chăm, tại Hội An có hát bài Chòi, tại Huế có ca Huế, tại Đà Lạt có múa cồng chiêng của người Cơ Ho, Sa Pa có múa của người Mông, Mai Châu có nhảy sạp của người Thái. Cách làm này đã giúp khách du lịch được trải nghiệm về nét văn hóa đặc sắc của địa điểm họ tới.
Giao lưu nghệ thuật truyền thống tại Sơn La. |
Nói tới đơn vị nghệ thuật thành công nhất trong việc chủ động thu hút khách du lịch phải kể đến Nhà hát Múa rối nước Thăng Long. Du lịch đã đưa tới cho nhà hát lượng khán giả ổn định và nhà hát cũng luôn dàn dựng nhiều vở diễn mới để các tour du lịch trở nên sinh động và có chất lượng hơn. Nhờ sự gắn kết đó mà mỗi tháng Nhà hát múa rối nước Thăng Long đón gần 10.000 lượt khách quốc tế, 3.000 lượt khách nội địa, lượng khách tour chiếm 70 - 80%. Một số lượng khán giả đáng mơ ước của không ít nhà hát và cũng là mục tiêu mà nghệ thuật truyền thống hướng đến.
Sở VH,TT&DL Hà Nội cũng đã nỗ lực tạo thêm những sự gắn kết này, mà điển hình là Nhà hát Chèo Hà Nội từng xây dựng một chương trình riêng phục vụ khách du lịch “Trẩy hội ngày xuân” khá công phu, phối hợp nhuần nhuyễn giữa các loại hình nghệ thuật: Chèo, xiếc, ca trù, quan họ… Tuy nhiên, sau những buổi ra mắt, hội thảo, có sự tham dự của gần một trăm công ty lữ hành và sự hỗ trợ của truyền thông nhưng rốt cuộc Nhà hát Chèo Hà Nội cũng không đón được nhiều du khách.
Nhà hát Tuồng Việt Nam đã xây dựng website Anh – Việt từ năm 2008 và lên lịch biểu diễn định kỳ 2 buổi/tuần để phục vụ khách quốc tế nhưng chỉ có rất ít du khách đến thưởng thức… Các CLB ca trù cũng hướng tới xây dựng thành một sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống mang đặc trưng của Hà thành nhưng cũng lâm vào tình trạng vắng khách. Và gần đây là Nhà hát Cải lương Hà Nội cũng đang nỗ lực xây dựng chương trình riêng phục vụ khách du lịch và dịch kèm tiếng Anh. Đại diện các đơn vị nghệ thuật này cho biết, sau những khởi động cũng có một số du khách quốc tế đến, song chủ yếu chỉ là khách lẻ đi theo kiểu du lịch balô tự tìm đến.
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội nhận xét: "Nhà hát múa rối Thăng Long thành công trong việc gắn kết với du lịch bởi có vị trí đắc địa, loại hình múa rối được truyền thông mạnh là duy nhất chỉ có ở Việt Nam và nhà hát đã sớm bắt tay với lữ hành để dàn dựng những chương trình phục vụ riêng du khách. Thực tế du khách rất có nhu cầu tìm hiểu loại hình nghệ thuật truyền thống, để thành công các nhà hát phải có thiết kế chương trình dành riêng cho du lịch".
Đại diện CLB lữ hành Hà Nội nhận xét: Trên thực tế, do sản phẩm du lịch nói chung còn nghèo nàn nên các tour tham quan Hà Nội thường chỉ 2 ngày 1 đêm và thưởng thức nghệ thuật sẽ được bố trí vào trước bữa tối. Do đó, ưu tiên đầu tiên bao giờ cũng là múa rối nước. Còn nếu khách kéo dài tour tại Hà Nội thì các đêm tiếp theo sẽ hướng dẫn khách thưởng thức loại hình nghệ thuật khác. Bên cạnh đó, các chương trình nghệ thuật chưa phù hợp với du khách nước ngoài. Đơn cử như nhiều tiết mục phần lời còn nhiều trong khi khách quốc tế đều không biết tiếng. Hoặc tiết mục còn quá dài trong khi thời gian cho mỗi tour như thế không nhiều… Để khách có những cảm nhận ban đầu mang tính giới thiệu chỉ nên làm ngắn, súc tích. Hiện giải pháp đưa ra là một số đoàn khách, các công ty du lịch mua hẳn chương trình, rồi mời diễn viên đến biễu diễn.
Để xây dựng một chương trình nghệ thuật phù hợp với du lịch rất cần sự bắt tay từ hai phía. Các đơn vị nghệ thuật cần phối hợp với doanh nghiệp lữ hành để tìm hiểu nhu cầu của khách, có lịch biểu diễn phù hợp. Ngược lại, hoạt động du lịch cần sự bổ trợ từ nghệ thuật truyền thống để mang lại cho du khách những khám phá mới lạ.
Bài và ảnh: Xuân Minh