Bài toán khó
Có thể khẳng định rằng, việc kết nối giữa du lịch và sân khấu mang đến mối quan hệ có lợi cho cả đôi bên. Du lịch nhờ hoạt động biểu diễn nghệ thuật có thể đa dạng hóa sản phẩm, tăng tính hấp dẫn của lịch trình tour để thu hút đông đảo du khách. Ngược lại, sân khấu truyền thống nhờ du lịch cũng có thêm "đất" diễn, thêm nguồn kinh phí để quay lại tái sản xuất, bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống. Đây cũng là cách thức hữu hiệu để lan tỏa, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam tới bạn bè quốc tế…
Việt Nam có một kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, múa rối… nhưng đến nay, vẫn thiếu vắng các sản phẩm nghệ thuật truyền thống gắn liền thương hiệu du lịch quốc gia. Ngoài một số chương trình múa rối nước của Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Múa rối Việt Nam được đưa vào tour tham quan của các công ty du lịch, nhiều loại hình nghệ thuật khác như tuồng, chèo, cải lương… vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận nhiều với du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Vậy điều gì khiến nghệ thuật biểu diễn chưa tiếp cận tốt với du lịch? Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho rằng, nếu lấy chất lượng nghệ thuật để làm thương hiệu và uy tín, chắc chắn các nhà hát đều đảm bảo được chất lượng nghệ thuật và làm rất tốt. Nhưng để khách du lịch tìm đến, chúng ta phải bàn và tìm cách, bởi nó không chỉ phụ thuộc vào những người làm nghệ thuật.
Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, mới đây, Tổng cục Du lịch và Vụ Lữ hành đã hỗ trợ Nhà hát Múa rối Việt Nam tổ chức hội nghị khách hàng và biểu diễn giới thiệu chương trình cho các công ty lữ hành, rất nhiều công ty lữ hành du lịch tới tham dự buổi biểu diễn chào hàng. Các công ty đều có nhận xét rằng chương trình nghệ thuật của Nhà hát Múa rối rất hay, phù hợp với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả, nếu không mang ra biểu diễn phục vụ khách du lịchsẽ rất đáng tiếc. Tuy nhiên, các công ty du lịch đưa ra những yêu cầu riêng, là những "bài toán khó" đối với Nhà hát, ví như điểm đến hiện tại của nhà hát phải là một điểm đến ấn tượng, tạo nên một không gian quang cảnh thật đẹp, phải là nơi vừa phục vụ biểu diễn vừa đáp ứng nhu cầu ăn uống của khán giả tới xem, giống như một số trung tâm giải trí lớn…
"Thật khó để biến một nhà hát trở thành một nơi như mong muốn của họ, bởi cái mà các công ty lữ hành đề xuất hướng tới là một khu vui chơi giải trí hoành tráng và nghệ thuật biểu diễn chỉ là một phần ở trong đó. Đó là đề nghị vượt quá khả năng mà một đơn vị nghệ thuật biểu diễn như Nhà hát Múa rối Việt Nam có thể thực hiện được", ông Nguyễn Tiến Dũng nói.
Tương tự, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã xây dựng các sản phẩm dành riêng cho khách du lịch, cho dịch ra các thứ tiếng khác nhau, đồng thời tổ chức nhiều hội nghị khách hàng với sự tham dự của các công ty lữ hành để trưng cầu ý kiến điều chỉnh, hoàn thiện sản phẩm sao cho hấp dẫn, áp dụng chính sách ưu đãi giá vé cho đơn vị thực hiện tour nhưng cũng chưa hiệu quả.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho hay, những buổi biểu diễn của nghệ sỹ tuồng tại khu vực phố đi bộ Hà Nội thu hút sự chú ý và thích thú của rất nhiều khách vãn cảnh, đặc biệt là khách quốc tế. Điều này cho thấy, du khách nước ngoài rất hứng thú với những sản phẩm nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Thế nhưng, cái khó là chúng ta chưa có cơ chế, chính sách phối hợp để tạo động lực cũng như sự thuận lợi cho các công ty lữ hành khai thác.
Theo đại diện lãnh đạo các nhà hát, với các công ty kinh doanh du lịch phải hoạt động theo quy luật "lời ăn lỗ chịu", việc đưa sản phẩm mới vào lịch trình tour đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng. Không phải cứ thấy hay là có thể dẫn khách tới bởi họ cũng phải dành thời gian và sự đầu tư kinh phí để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới du khách và thuyết phục khách trải nghiệm.
Cần một "tổng chỉ huy"
Bàn đến giải pháp để thúc đẩy sự liên kết giữa nghệ thuật truyền thống và du lịch, Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho rằng, cần phải có một "tổng chỉ huy" đủ sức mạnh để tạo nên sức bật cho nghệ thuật truyền thống phát triển. Từ chiến lược quảng bá, chiến lược marketing nghệ thuật truyền thống đến các công ty lữ hành, đến du khách trong và ngoài nước, đến việc điều phối giữa các loại hình nghệ thuật, điều phối các chương trình nghệ thuật có chất lượng để tạo sự đa đạng, hấp dẫn và thu hút du khách.
Theo các nghệ sỹ, vị "tổng chỉ huy" này phải là từ ngành Văn hóa – Du lịch, từ Chính phủ. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam chia sẻ, ông từng có cuộc trao đổi với Trưởng đoàn kịch Noh Nhật Bản của thành phố Osaka, vị đại diện này cho hay, các loại hình nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản cũng kén người xem như ở Việt Nam nhưng họ vẫn lại phát triển rất mạnh, bởi Chính phủ nước này đã "cầm trịch" để điều tiết các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp đã chi tiền đầu tư, quảng bá cho nghệ thuật truyền thống. Ngược lại, Chính phủ Nhật Bản có những chính sách ưu đãi như: giảm thuế để khuyến khích các doanh nghiệp ở Nhật Bản đầu tư cho nghệ thuật truyền thống, đẩy mạnh quảng bá loại hình nghệ thuật này đến với du khách…
Tổng cục Du lịch đã tổ chức một số cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa các công ty lữ hành với các nhà hát để cùng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hai bên, với mong muốn có được sự bắt tay phối hợp chặt chẽ. Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện Tổng cục Du lịch, các đối tác lữ hành chưa thật sự quan tâm, chưa thấy được ý nghĩa của việc đưa những chương trình hay, chất lượng để khách du lịch cảm nhận được những giá trị của nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch hiện nay cũng không có những người am hiểu chuyên sâu để có thể thuyết minh, quảng bá tốt cho từng loại hình sân khấu truyền thống.
Thêm vào đó, nhiều công ty lữ hành bày tỏ, các nhà hát ở các địa chỉ khác nhau và cách xa nhau, rất bất tiện cho việc di chuyển của du khách. Họ rất muốn có một trung tâm nghệ thuật biểu diễn tập hợp nhiều loại hình nghệ thuật để tiện cho việc đi lại của du khách quốc tế, chứ không thể muốn xem múa rối phải ngược lên Nhà hát Múa rối Trung ương ở tận đường Trường Chinh, muốn xem chèo lại về Nhà hát Chèo Việt Nam ở Kim Mã…
Về vấn đề này, Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, khách du lịch là đối tượng tiềm năng, nhưng muốn thu hút khách đến xem biểu diễn nghệ thuật, sản phẩm nghệ thuật phải phù hợp hành trình di chuyển của du khách. Nhiều nhà hát hiện rất khó tiếp cận du khách bởi địa điểm quá xa khu vực trung tâm, cũng không gần những điểm đến du lịch nổi tiếng nên không tiện kết nối với lịch trình của khách.
Đồng quan điểm, Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên cho rằng, về lâu dài, Việt Nam nên có một địa điểm được đầu tư thành tổ hợp vui chơi giải trí với một số hạng mục bổ trợ như bảo tàng sân khấu, khu vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống cùng với không gian biểu diễn nghệ thuật khép kín, bao gồm nhiều khu vực như biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, múa rối… riêng biệt, với những sản phẩm đặc sắc được thiết kế riêng dành cho khách du lịch để thu hút du khách.
Các nghệ sỹ cho rằng, để làm được điều này, nhất thiết cần đến vai trò "tổng chỉ huy" của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa và du lịch. Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam thẳng thắn: Khi đã đặt nhiệm vụ muốn giúp đỡ cho các nhà hát bắt tay với du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần quan tâm vào cuộc. Cơ quan liên quan cần có những chính sách phù hợp, truyền thông là đầu mối. Bên cạnh đó, việc đầu tư kinh phí không thể như hiện nay. Lâu nay, mỗi nhà hát phải tự "bơi", tự kiếm thị trường du lịch, nhưng đồng thời phải giữ vững chất lượng đơn vị nghệ thuật truyền thống quốc gia. Đó là bài toán khó mà các nhà hát nghệ thuật truyền thống đang phải đối mặt.
Có thể nói, câu chuyện kết nối sân khấu truyền thống và du lịch vẫn đang là một câu chuyện dài và là một bài toàn khó giải. Vì vậy, cần có những giải pháp đồng bộ, một "tổng chỉ huy" đủ sức mạnh để tạo sự gắn kết giữa sân khấu và du lịch.