Di tích lịch sử - khảo cổ học cấp quốc gia Hoàng thành Yên Bái đang bị hoang hóa  

Di tích lịch sử - khảo cổ học Hắc Y nằm trên địa bàn xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái được đánh giá là quần thể di tích quan trọng, lưu giữ nhiều di vật khảo cổ học quý hiếm, thuộc nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Điều đáng nói là di tích này đang rơi vào cảnh hoang hóa.

Chú thích ảnh
Nhiều hiện vật khai quật có hình dạng và niên đại giống với những hiện vật kiến trúc đất nung được khai quật ở Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: TTXVN phát

Nơi lưu giữ nhiều di vật khảo cổ học quý hiếm

Ông Hoàng Tiến Long, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái cho biết, Di tích lịch sử - khảo cổ học Hắc Y nằm trên địa bàn xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên được phát hiện năm 1995. Năm 2001, di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích quốc gia. Trải qua 8 lần khai quật di tích đã phát lộ nhiều giá trị văn hóa khảo cổ quý giá. Di tích được Viện Khảo cổ Việt Nam đánh giá là quần thể di tích quan trọng, lưu giữ nhiều di vật khảo cổ học quý hiếm, thuộc nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, từ thời nguyên thủy đến thời kỳ lịch sử phong kiến tự chủ. 
    
Cũng theo ông Hoàng Tiến Long, điều đặc biệt là nhiều hiện vật khai quật ở đây có hình dạng và niên đại giống những hiện vật kiến trúc đất nung được khai quật ở Hoàng thành Thăng Long. Đó là các vật liệu kiến trúc gồm gạch, ngói, đá chân cột, lá đề, sen, cúc..., tượng đất nung linh vật các loại: đầu rồng, phượng, uyên ương, lân, voi, garuda... cùng đồ thờ, đồ gốm sứ, tiền đồng... Nhiều di vật mang phong cách vương triều. Chính giá trị lịch sử văn hóa đó cùng các điểm tương đồng của hiện vật khai quật về hình dạng và niên đại giống những hiện vật được khai quật ở Hoàng thành Thăng Long nên quần thể khu di tích này còn được gọi là Hoàng thành Yên Bái. 

Các nhà khoa học lịch sử nhận định, đây là quần thể kiến trúc Phật giáo quy mô lớn, như một Trung tâm văn hóa Phật giáo thời bấy giờ. Đặc biệt, trong quá trình khai quật các nhà khoa học đã tìm thấy 2 bài minh bằng chữ Hán, khắc vào tháp đất nung đã cung cấp thông tin rất quý. Đó là Hoàng Lục Thiện ở Thượng Lâm Trường, sinh năm Mậu Ngọ (năm 1258), năm 45, tuổi đã cung tiến cho chùa Thượng Miện 40 tòa tháp cửu phẩm liên hoa, loại bảo tháp biểu tượng của nhà Phật. Cây tháp đất nung lớn Hắc Y mang đậm ảnh hưởng của nghệ thuật thời Lý với những đường nét hoa văn mềm mại, tinh tế và độc đáo.

Di tích lịch sử - khảo cổ học Hắc Y cho thấy, đạo Phật là quốc đạo đã được triều đại Lý - Trần mở rộng, kinh dinh thành công tới tận vùng rừng núi, vốn là địa bàn chiến lược trong sự nghiệp bảo vệ đất nước. Theo đoán định của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, vùng đất này có thể là đại bản doanh hoặc trang ấp của thủ lĩnh được triều đình cử trấn giữ miền biên viễn phía Bắc, khi xây dựng bản doanh đã dựng chùa để phật tử là binh lính và gia tộc có nơi hành đạo. Điều này có thể liên quan đến vai trò của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (1255 - 1330), là bậc thân vương tôn quý, có tài thao lược đánh quân Nguyên, thu phục các thổ tù, biết nhiều ngôn ngữ các dân tộc, được dân miền núi nể phục, khi ông trấn giữ trại Thu Vật, dọc lưu vực sông Chảy. Việc Hoàng Lục Thiện cung tiến bảo tháp chứng tỏ sự thần phục của trăm họ với triều đình...

Không chỉ có giá trị quan trọng về lịch sử và văn hóa, quần thể di tích này còn là nơi có danh lam thắng cảnh như núi Bạch Mã... uy nghi, hùng vĩ cùng với đó là dòng nước ngòi Đại Cại nhập vào sông Chảy, đầu nguồn thắng cảnh hồ Thác Bà. Ở đây còn có ngôi đền Đại Cại nổi tiếng về linh thiêng, nhân dân khắp nơi tới chiêm bái. Nơi này còn tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình, tiềm năng lớn trong phát triển du lịch văn hóa, tâm linh của tỉnh Yên Bái.

Hoang tàn khu di tích

Chú thích ảnh
Di tích lịch sử - khảo cổ học cấp quốc gia Hoàng thành Yên Bái rơi vào cảnh hoang hóa. Ảnh: TTXVN phát

Theo bà Nông Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Quản lý Di tích lịch sử - khảo cổ học Hắc Y huyện Lục Yên, từ khi phát hiện đến nay, tỉnh và huyện Lục Yên đã đầu tư nhiều lần bằng các nguồn vốn khác nhau để xây dựng đền Đại Cại, chùa Đại Cại, cổng Tam quan, nhà ở cho tăng, ni bằng ngồn vốn xã hội hóa... Đặc biệt, năm 2009, huyện Lục Yên đầu tư để gia cố hàng rào dây thép gai và làm mái che bằng tôn khung thép tại các hố khai quật dưới chân núi Hắc Y, không khác một "bảo tàng" ngoài trời ở khu vực này. Hằng năm, huyện tổ chức Lễ hội Đền Đại Cại với hàng chục nghìn du khách đến tham quan, chiêm bái. Điều đó khẳng định: Công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại đền Đại Cại đã có những chuyển biến tích cực.  

Tuy nhiên, tại các khu vực khảo cổ như "bảo tàng" ngoài trời dưới chân núi Hắc Y khi chúng tôi đến đã chìm khuất bởi cỏ chè vè, lau lách. Để vào quan sát khu vực này, chúng tôi phải dùng cây gạt cỏ dại. Các di vật là những tảng đá kê chân cột vẫn còn được giữ nguyên mặc dù không có người trông coi, bảo vệ.

Riêng khu vực khảo cổ trên đồi Hắc Y nơi phát hiện nhiều di vật lịch sử văn hóa đã trở thành một cánh rừng rậm rạp. 

Lý giải điều này, ông Phùng Trung Hải, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lục Yên cho biết, nhiều năm nay, do không được đầu tư kinh phí nên đơn vị không thuê người trông coi, phát dọn cỏ dại, làm vệ sinh. Vì vậy, tại hố khai quật ngoài trời dưới chân núi Hắc Y cỏ mọc um tùm. Còn khu vực đồi Hắc Y, nơi phát hiện các di vật khảo cổ học quý hiếm, Bảo tàng tỉnh Yên Bái đưa các di vật về trưng bày, lưu giữ. Toàn bộ đất đồi trong khu vực này là đất giao cho người dân canh tác từ xưa nên hiện là rừng trồng, rừng khoanh nuôi của nhân dân trong khu vực.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái Lê Thị Thanh Bình cho biết, Sở đã thành lập đoàn Thanh tra tới Lục Yên để tìm hiểu vấn đề này khi có kết luận sẽ cung cấp thông tin cho báo chí.

Quần thể Di tích lịch sử khảo cổ học Hắc Y gồm hàng loạt các di tích như: Chùa Dõng, Ao vua, Trường đua, chùa Thượng Miện, đồi Hắc Y (Pù Lường Lục), miếu Hắc Y, đền Hắc Y (xây mới)... đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Lẽ ra nơi đây phải được bảo vệ, tôn tạo nhưng trên thực tế khu di tích này phần nhiều lại rơi vào cảnh hoang hóa, xâm hại. Rất mong các cấp chính quyền, ngành chức năng tỉnh Yên Bái sớm có giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Đức Tưởng (TTXVN)
Kiểm tra việc tu bổ Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm
Kiểm tra việc tu bổ Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm

Chiều 25/3, Đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội do Thanh tra Sở chủ trì đã tiến hành kiểm tra việc tu bổ Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN