Di tích trên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia tại Quyết định số 31/QĐ-BVHTTDL ngày 7/1/2020. Trước đó, năm 2005, di tích đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Hiện nay, tại di tích còn lưu giữ được nhiều cổ vật, di vật có giá trị ở nhiều chất liệu khác nhau như: Giấy, gỗ, gốm, đá... Đặc biệt là cuốn “Niên phả lục” bằng chữ Hán viết vào niên hiệu Cảnh Hưng 25 (1764), 13 tấm bia đá có niên đại từ thời hậu Lê đến thời Nguyễn (1 bia thế kỷ XVIII, 6 bia thế kỷ XIX và 6 bia thế kỷ XX), hệ thống câu đối, đại tự đều được tạo dựng từ thời hậu Lê đến thời Nguyễn mang nội dung giáo dục sâu sắc cùng hai tấm biển hiệu “Ân tứ vinh quy” (ban ơn cho vinh quy bái tổ) và “Trí sỹ” (cho về nghỉ hưu) do vua ban cho các vị Tiến sĩ có niên đại vào thời hậu Lê và thời Nguyễn.
Bên cạnh đó, tại Nhà thờ còn bảo lưu đầy đủ 33 đạo sắc phong thời hậu Lê. Đây là kho cổ vật quý hiếm góp phần khẳng định vai trò, vị thế công lao đóng góp to lớn, việc gìn giữ những di sản văn hóa quý báu của 3 vị tiến sĩ dòng họ Trần đối với quê hương, đất nước.
Cũng dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với 9 di tích đình, đền, chùa ở 9 địa phương trong tỉnh. Như vậy, đến nay, tỉnh Hải Dương có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 142 di tích cấp quốc gia và 237 di tích cấp tỉnh.
Tại hội nghị, ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đề nghị, thời gian tới, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Hải Dương cần tập trung giải quyết những khó khăn trong công tác xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù và kết nối các tour, tuyến trong và ngoài tỉnh. Ông Lương Văn Cầu cũng nhấn mạnh: Năm 2020, ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần tăng cường ứng dụng công nghệ, tận dụng lợi thế của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong xúc tiến, quảng bá và phát triển du lịch; quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa thể thao từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường phối hợp trong quản lý nhà nước và phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, năm 2020, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh tập trung xây dựng và hình thành các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển văn hóa, thể thao, gia đình và du lịch trên địa bàn; phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục thể thao quần chúng, khôi phục và củng cố các môn thể thao dân tộc; đổi mới và tăng cường công tác quản lý, đào tạo, huấn luyện thể thao; phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng cao; đa dạng. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; phát triển và hoàn thiện đồng bộ các thiết chế văn hóa, thể thao...
Để ghi nhận những thành tích của các tập thể và cá nhân ngành văn hóa, thể thao và du lịch Hải Dương trong năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tặng Cờ thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2019 cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương và Phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Kinh Môn; tặng Bằng khen cho 7 tập thể, 5 cá nhân. Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cũng tặng Cờ thi đua cho tập thể Nhà hát chèo Hải Dương và nhiều Bằng khen cho các tập thể, cá nhân khác.
Năm 2019, tỉnh Hải Dương ước đón 4,2 triệu lượt du khách, tăng 8,7% so với năm 2018. Doanh thu ngành du lịch của tỉnh ước đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong năm 2019, các đội tuyển thể thao của Hải Dương tích cực tham gia thi đấu các giải trong nước và khu vực, giành 165 Huy chương Vàng, 153 Huy chương Bạc, 136 Huy chương Đồng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Toàn tỉnh hiện có 93,6% số làng, khu dân cư đạt danh hiệu làng, khu dân cư văn hóa. Công tác bảo tồn di sản văn hóa đạt nhiều kết quả tích cực như tiến hành tu bổ chống xuống cấp cho 14 di tích, tăng cường kiểm tra và xử lý kịp thời những hành vi xâm hại các giá trị di sản văn hóa...