Nhà thờ Ka Đơn (dòng Vinh Sơn), ra đời từ ý tưởng của Linh mục Giuse Nguyễn Đức Ngọc - Quản xứ giáo xứ Ka Đơn và được vợ chồng Kiến trúc sư Vũ Thị Thu Hương, Nguyễn Tuấn Dũng thiết kế. Công trình có sự hỗ trợ của các Giáo sư, Kiến trúc sư Finn Geipel - Chủ nhiệm bộ môn thiết kế kiến trúc và lý thuyết phân tích công trình; Giáo sư, Kiến trúc sư Klaus Zillich - nguyên Chủ nhiệm bộ môn thiết kế kiến trúc và quy hoạch đô thị bền vững; Giáo sư, Kiến trúc sư Rainer Mertes - Chủ nhiệm bộ môn công trình và thiết kế xây dựng; Giáo sư, Kỹ sư Eddy Widjaja - Bộ môn thiết kế kết cấu công trình.
Toàn cảnh Nhà thờ Ka Đơn. |
Sau hơn 4 năm thi công, Nhà thờ Ka Đơn hoàn thành vào tháng 7/2014. Khác với các công trình nhà thờ, không gian thánh lễ lớn trên thế giới thường được xây dựng hoành tránh, huyền bí, Nhà thờ Ka Đơn được thiết kế và xây dựng thành một công trình thấp, dưới những tán thông ba lá và hòa mình vào thiên nhiên, mang đậm nét văn hóa người Chu-ru bản địa. Vật liệu chính xây dựng nên nhà thờ chính là gỗ thông tại chỗ và mái ngói đỏ.
Mong muốn về việc thiết kế nhà thờ là “đơn sơ, ít màu sắc, ít trang trí, trân trọng vẻ đẹp tự nhiên của vật liệu. Nhà thờ khiêm tốn, hòa vào thiên nhiên, đậm nét văn hóa Chu-ru và tôn tạo nét riêng của vùng đất này” Linh mục Giuse Nguyễn Đức Ngọc đã nêu ý tưởng với đôi vợ chồng Vũ Thị Thu Hương và Nguyễn Tuấn Dũng (Đại học kỹ thuật Berlin) khi họ về vùng đất này tìm kiếm ý tưởng thiết kế công trình cho luận văn cao học.
Thánh đường hành lễ của Nhà thờ Ka Đơn. |
Tư tưởng xuyên suốt trong thiết kế công trình Nhà thờ Ka Đơn là “mảnh đất nhà thờ đã sẵn thiêng liêng; thiên nhiên của Chúa chính là trang sức cho nhà thờ (đất đỏ, núi non, không khí, nắng gió, rừng thông, ánh trăng…) mà không cần phải thay đổi bất cứ điều gì. “Do vậy mà không có một tòa nhà nào được xây hoàn toàn mà ... là một bên dựa vào thiên nhiên có sẵn, kết hợp với một mái nhà Chúa. Nhà thờ thấp và ẩn vào núi đồi, là một phần của thiên nhiên. Chỉ có tháp chuông đưa thánh giá lên cao để dân làng nhìn thấy sức mạnh nội tâm - mảnh mai, nhưng mạnh mẽ.
Nhà thờ được xây dựng gần gũi với kiến trúc người Chu-ru bản địa, mái không cao vút mà trải thoải như mái lá, lợp bằng ngói đỏ. Không gian được phân chia trong nhà thờ cũng được tổ chức theo kết cấu kiến trúc truyền thống của các tộc người sống trên lưu vực sông Đa Nhim, phía nam Lâm Đồng.
Hệ thống tường bao và trần nhà là hệ thống thanh gỗ thông xếp song song nhau nên vẫn tạo được không gian linh thiêng, thoáng rộng nhưng gần gũi. Đây chính là những tiết tấu, nhịp điệu của phần “rèm” nan gỗ. Tường quanh chánh điện là kính trong suốt chèn giữa những thanh gỗ thông. Từ bên trong nhà thờ vẫn có thể nhìn thấy những con chiên hành lễ ở sân và ngược lại, từ ngoài sân vẫn nhìn thấy bên trong chánh điện để hành lễ. Nhờ thiết kế này nên nhà thờ và thiên nhiên không hề bị chia cắt mà hòa quyện vào nhau. Nền nhà chánh điện nhà thờ cũng không làm bậc cấp và được lót bằng đá, thể hiện sự quảng đại, bao dung và trường tồn của đức tin…
Công trình Nhà thờ Ka Đơn tuy rất đơn sơ và gần gũi nhưng đã tạo được nhiều bất ngờ cho các kiến trúc sư, hệ thống tôn giáo và đã đạt 2 giải kiến trúc quốc tế.