Độc đáo Lễ hội Bà Chợ Được

Trong 2 ngày 1 và 2/2, hàng ngàn người dân khắp nơi đổ về làng Phước Ấm (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) để tham gia Lễ hội Bà Chợ Được.

Theo truyền thuyết, Bà họ Nguyễn, tên Của, sinh ngày 25 tháng 2 năm Canh Thân (1800), tại phiếm Ái Châu, làng Phường Chào, tổng Mỹ Hòa, huyện Diên Phước (nay là xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Khi sinh ra, bà đã có những điểm khác lạ: dáng người khỏe mạnh, da trắng như tuyết, bước đi khác thường, tiếng nói sang sảng… Bà mất ngày 19/11 năm Đinh Sửu (1817), dân làng lập đền thờ tại quê nhà.



Lễ hội Bà Chợ Được. Nguồn: Internet


Năm Nhâm Tý 1852, Bà hiển linh tại làng Phước Ấm khi hóa thân thành một thiếu nữ xinh đẹp đổi nước, bán trầu, bốc thuốc chữa bệnh và kêu gọi nhân dân lập chợ. Lâu ngày, dân chúng đến đây mua bán đông đúc và trở thành chợ, nên tên gọi Chợ Được ra đời. Để tri ân, nhân dân làng Phước Ấm lập miếu thờ, ngày đêm hương khói và đệ đơn xin phong sắc. Năm Mậu Tuất (1898), triều đình Huế sắc phong “Tề Thục Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần”, năm 1924 vua Khải Định lệnh tặng cho Bà là “Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”, năm Đinh Mão (1927) vua Bảo Đại gia tặng “Tề Thục Dực Bảo Trang Huy Thượng Đẳng Thần”.

Lễ hội Bà Chợ Được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ công đức Bà đã sáng lập Chợ Được. Mỗi năm vào ngày 10 và 11 tháng Giêng Âm lịch (ngày nhận sắc phong đầu tiên), nhân dân làng Phước Ấm tổ chức lễ cúng Bà. Phần chính lễ được tiến hành vào ngày 11 tháng Giêng dưới sự điều hành của Ban tế lễ gồm dâng hương, dâng rượu, đọc văn tế, đánh trống hiệu… Lễ vật gồm 6 mâm chủ yếu là đồ chay.


Tiếp đó là lễ rước Cộ (rước các hình nộm làm từ tre, giấy, vải, sơn màu… liên quan đến các thần linh như hình tượng bà bằng giấy, hình tượng các anh hùng dân tộc như Thánh Gióng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Bác Hồ…) trên các đường phố chính từ xã Bình Triều đến thị trấn Hà Lam (Thăng Bình). Phần hội sôi nổi với hội đua thuyền, nấu cơm… Lễ rước Cộ phản ánh một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc trưng ở Quảng Nam, thể hiện lòng thành kính với các bậc tiền nhân. Đây còn là sự kết tinh tổng hợp nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật như hội họa, trang trí, tạo hình, diễn xướng… đậm chất dân gian cần được lưu giữ và phát huy.
 

TTXVN/ Tin Tức

Lễ hội Đền Trần ở Thái Bình với tục rước nước sông Hồng
Lễ hội Đền Trần ở Thái Bình với tục rước nước sông Hồng

Lễ rước nước trên sông Hồng được tổ chức rất long trọng, đây là truyền thống uống nước nhớ nguồn của ông cha ta, cũng là nhắc lại thưở xưa trước khi lên làm vua nước Đại Việt, tổ tiên Nhà Trần sống bằng nghề chài lưới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN