Đình Đầm Hà được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII ở khu vực chợ Đầm Hà cũ, cách vị trí đình hiện nay hơn 1 km về hướng Đông. Giữa thế kỷ XIX, đình bị giặc đốt phá cùng với chùa Đầm Hà. Đến cuối thế kỷ XIX, dân làng xây dựng lại ngôi đình ở vị trí hiện nay.
Ngôi đình thờ phụng: Không Lộ chi thần, Giác Hải chi thần, Quý Minh chi thần, Thái Lệ linh ứng chi thần, Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ vị thượng đẳng thần. Ngoài các vị thần trên, dân làng nơi đây còn thờ Lý Thường Kiệt, 12 vị tiên nhân của dòng họ Hoàng, dòng họ Phan sinh sống lâu năm ở vùng đất Đầm Hà và 15 vị Hậu thần đã đóng góp điền sản xây dựng đình.
Ông Chu Xuân Đỗ, Trưởng ban Quản lý di tích Đình Đầm Hà thông tin, từ thời xa xưa, ngôi đình này là ngôi nhà chung, nhà cộng đồng để thờ các Thành hoàng làng được nhân dân ngưỡng mộ, tôn thờ. Đây cũng là trung tâm, là điểm duy nhất được nhân dân duy trì, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tâm linh của địa phương.
Năm 1957 do nhiều nguyên nhân, Lễ hội Đình Đầm Hà không được tổ chức. Đến năm 2009, Lễ hội được huyện phục dựng sau 52 năm gián đoạn trong sự phấn khởi của người dân.
Trước đây, Lễ hội được tổ chức trong 6 ngày 5 đêm (từ ngày 15 - 20 tháng Giêng), nay được rút ngắn xuống còn 3 ngày (từ ngày 15 - 17 tháng Giêng hàng năm). Ngoài các nghi thức rước, tế Thành hoàng, lễ hội Đình Đầm Hà có nhiều nét độc đáo riêng biệt như: Lễ rước 17 mâm cỗ chay trước khi rước Thành hoàng; nghi thức chạy cờ xung quanh đình, miếu trong lúc rước; lễ dừng kiệu hát mừng trong lúc rước Thành hoàng về đình; sự kết hợp các điệu múa trong lúc tế… Mỗi lễ gắn với một điển tích nhằm giáo dục con cháu nhớ ơn tổ tiên, thần, phật; răn dạy con người sống hòa thuận, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, quốc thái, dân an; mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân Đồng bằng Bắc Bộ.
Một trong những phần được mong đợi tại Lễ hội là nội dung hát nhà tơ - hát múa cửa đình (đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2015). Đây là nội dung đặc biệt, là phần “hồn” không thể thiếu trong các lễ hội đình làng đã được gìn giữ, lưu truyền đến ngày nay.
Ông Chu Xuân Đỗ cho biết thêm, hiện nay, hát nhà tơ đang sở hữu 39 bài hát, trong đó có 9 làn điệu được các nghệ nhân duy trì, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Theo quy định của Đình Đầm Hà, hát nhà tơ - hát múa cửa đình chỉ biểu diễn trong lễ hội chứ không hát phục vụ ngoài công chúng.
Đình Đầm Hà và các ngôi miếu thờ Thành hoàng làng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Qua đó, giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, đạo lý uống nước nhớ nguồn, nâng cao lòng tự hào dân tộc, tăng cường ý thức cộng đồng, tạo thêm sức mạnh để chiến thắng thiên nhiên, chiến thắng kẻ thù, xây dựng và bảo vệ quê hương, làng, xã ngày càng phát triển.
Bà Đinh Thị Tích (người dân thị trấn Đầm Hà) cho biết, ngày Rằm tháng Giêng dân làng sẽ rước thần từ miếu thiêng Rừng Nghè về đình. Trong 3 ngày từ ngày 15 - 17 tháng Giêng, dân làng sẽ vui chơi, ca hát, thực hiện các nghi lễ tế thần, đến ngày 17 sẽ trân trọng tiễn thần về miếu Rừng Nghè. Là người con của Đầm Hà, bà rất tự hào và luôn ý thức được trách nhiệm trong bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, các nét đẹp của đình để giữ gìn, bảo tồn Di sản Văn hóa phí vật thể Quốc gia.
Từ xưa đến nay, người dân Đầm Hà làm ăn sinh sống nơi xa hay ở tại địa phương cho dù bận rộn cũng về dự Lễ Cáo trạng trong ngày hội đình. Đây là Lễ nhằm tôn vinh tinh thần khuyến học, khuyến tài của người dân quê hương đã được quy định trong lệ làng từ xưa. Tinh thần hiếu học đến nay vẫn được người dân Đầm Hà tiếp tục gìn giữ, phát huy.
Ông Lê Bình Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà cho biết, Lễ Cáo trạng là nét đẹp khuyến học, khuyến tài, khuyến khích các thế hệ người dân địa phương nỗ lực cố gắng vươn lên trong mọi lĩnh vực. Lễ hội Đình Đầm Hà được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia là niềm tự hào của người dân địa phương nói riêng và của tỉnh Quảng Ninh nói chung. Sự kiện được tổ chức nhằm nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử; đồng thời, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng nhu cầu về văn hóa tinh thần, tín ngưỡng, tâm linh của người dân và du khách.