Theo tài liệu còn lưu giữ lại, năm Nhâm Dần (năm 43) sau Công nguyên, nhà Hán lệnh cho Mã Viện đem quân sang đánh Hai Bà Trưng. Quân giặc đánh đến trấn Vũ Ninh, huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) đã gặp quân của Hai Bà và xảy ra trận kịch chiến, nhiều quân lính đã hy sinh.
Sau trận chiến, thân nhân của những người lính đó đã về tìm kiếm người thân vào dịp sau Tết Nguyên đán. Họ đến bãi chiến trường để thắp hương và hóa vàng mã cho người thân. Dần dần, người dân quan niệm, cửa âm phủ một năm chỉ mở một lần vào đêm mùng 4, rạng ngày mùng 5 tháng Giêng hàng năm cho người dưới âm lên gặp người thân của mình trên trần gian, từ đó có chợ âm dương. Chợ họp trên bãi đất trước là chiến trường. Đến nay, chợ âm dương không còn được duy trì nhưng ký ức về phiên chợ này vẫn còn tồn tại trong tâm trí của những người dân nơi đây.
Phiên chợ được coi là cuộc hội ngộ âm dương, giúp cho những người đang sống giải tỏa về mặt tâm linh để tâm hồn được thanh thản. Vì thế, chợ không ồn ào, người mua không mặc cả, người bán không ra giá, không sử dụng đèn vì sợ những linh hồn hoảng sợ, làm mất đi sự tôn nghiêm của không gian tâm linh, huyền bí.
Đầu xuân đi chợ âm dương làng Ó là một hình thức để cầu may mắn, an ủi, động viên nhau trút bỏ muộn phiền, đổi buồn lấy vui, mua may bán rủi... Chợ chủ yếu bán hàng mã, hương... dùng để hóa cho người đã mất; ngoài ra còn bán rượu, trầu cau, muối, bật lửa, hoa, cây, hạt giống và các loại hoa quả như gấc, cà chua, đu đủ, cà rốt... Ở phiên chợ này, có một loại hàng bán rất đặc biệt đó là gà đen, biểu tượng cho sự thần bí, tâm linh. Chỉ những người nào thực sự may mắn mới mua được một con gà đen mang về sau phiên chợ.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khu Xuân Ổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh cho biết, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và sự ủng hộ của người dân địa phương, năm 2022 phiên chợ âm dương đã chính thức được phục dựng với phần lễ trình khai hội tại đình làng, lễ tại đền Thượng, lễ tuyên văn khai hội mở chợ; nghi thức lập đàn tế lễ của nhà sư trụ trì chùa Hồng Phúc cùng 300 phật tử tụng kinh niệm Phật phổ độ chúng sinh, cầu quốc thái dân an, hòa bình thịnh vượng, vạn sự cát tường. Phần chợ, ngoài bày bán các mặt hàng còn có hát Quan họ cổ, hát văn, viết chữ đẹp đầu năm. Qua 2 năm được phục dựng đã có rất nhiều người về chợ âm dương làng Ó để mua may bán rủi, gặp gỡ, tri ân đối với những người thân đã khuất.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Bắc Ninh Nguyễn Mạnh Hiếu, chợ âm dương làng Ó mang nhiều ý nghĩa nhân văn, trong đó giá trị nổi bật là thể hiện đạo lý, lối sống, ứng xử nhân văn của người đang sống với người đã khuất, giữa thế giới dương và âm. Việc phục dựng lại phiên chợ âm dương trong lễ hội truyền thống khu phố Xuân Ổ là một trong những nhiệm vụ được xác định trong các nghị quyết về phát triển thành phố Bắc Ninh, thể hiện nỗ lực địa phương trong việc giữ gìn một sinh hoạt văn hóa đặc sắc, độc đáo, riêng có ở vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh, đáp ứng nguyện vọng, niềm mong mỏi của cộng đồng người dân địa phương.