Bước vào khu vực Đông Nam Á của bảo tàng, du khách như được lạc vào một hành trình khám phá đầy thú vị qua các nền văn hóa Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Lào, Indonesia và Việt Nam. Không gian được tô điểm bởi những âm thanh truyền thống của dàn nhạc gamelan Indonesia, cùng hình ảnh các vị Phật thanh thản, những tấm batik in hoa văn độc đáo và những chiếc trống đồng cổ kính.
Trong hành trình đi thăm bảo tàng, phóng viên TTXVN tại Brussels cảm nhận rõ sự nổi bật của phòng trưng bày các cổ vật Việt Nam được bài trí trong khu vực Đông Nam Á. Gần 3.000 hiện vật có niên đại trước thế kỷ XV đang được trưng bày và là bộ sưu tập cổ vật Việt Nam lớn nhất ở nước ngoài, được bảo tàng mua lại từ nhà sưu tập Clément Huet vào năm 1952. Nhà sưu tập này từng làm việc tại Việt Nam từ năm 1914-19 và đã sưu tầm nhiều hiện vật văn hóa Việt Nam như đồ gốm, tượng, đồ trang sức, vũ khí và các đồ vật nghi lễ. Bộ sưu tập của Huet cung cấp cái nhìn tổng quan độc đáo về văn hóa và nghệ thuật Việt Nam trước thế kỷ XX.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Bowi Quibus, phụ trách khu vực trưng bày Đông Nam Á, cho biết các hiện vật được sắp xếp theo 2 tiêu chí chính là niên đại và chủ đề, giúp du khách dễ dàng theo dõi sự phát triển của nghệ thuật và văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ, đồng thời hiểu rõ hơn về lịch sử và văn hóa của đất nước này. Du khách bắt đầu hành trình khám phá Việt Nam từ những nền văn minh đầu tiên, với các cổ vật thuộc văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, Sa Huỳnh ở miền Trung và Ốc Eo ở miền Nam. Nổi bật là những đồ trang sức bằng đá, rìu đá, dao găm đồng, tượng người bằng gốm nung... Tiếp theo là những chum gốm, bình gốm đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh, đặc biệt là đôi hoa tai bằng đất nung có niên đại từ thế kỷ III sau Công nguyên, hiện vật do Phòng Thương mại Bỉ-Việt trao tặng cho bảo tàng. Du khách cũng có thể chiêm ngưỡng những hiện vật gốm cổ được khai quật tại Gò Hời (Bình Định) do Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử Hoàng gia Bỉ phối hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định tiến hành khai quật năm 2002, bao gồm con kê 5 mấu, chồng bát đĩa nung dính, chén, tô, đĩa, bát (vỡ) thể hiện kỹ thuật chế tác tinh vi và chất lượng gốm cao cấp của thời kỳ này.
Điểm nhấn của phòng trưng bày là những mặt trống đồng Đông Sơn, biểu tượng văn hóa độc đáo của Việt Nam. Bên cạnh đó, du khách còn có thể chiêm ngưỡng các kiệt tác đồ gốm sơn thời Lý, Trần; gốm sứ đơn sắc và gốm lam tinh tế.
Anh Logan Vander Linden, một du khách người Bỉ, cho biết anh rất thích thú khi được khám phá những cổ vật của Việt Nam tại bảo tàng này, từ cách trưng bày đến những nội dung giải thích về nguồn gốc và ý nghĩa. Thông qua việc xem các cổ vật, anh hiểu thêm về lịch sử của quốc gia Đông Nam Á.
Để bảo quản bộ sưu tập cổ vật đồ sộ, bảo tàng đã lắp đặt hệ thống cảm biến nhiệt độ và độ ẩm để giám sát điều kiện môi trường, điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng trong phòng trưng bày, đảm bảo các cổ vật không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân bên ngoài.
Bộ sưu tập cổ vật Việt Nam tại bảo tàng MRAH là minh chứng cho sự phát triển văn hóa và nghệ thuật phong phú của Việt Nam qua các triều đại. Đây là điểm đến lý tưởng để du khách khám phá và tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam.
Bảo tàng MRAH được thành lập năm 1835 và hiện đang lưu giữ một bộ sưu tập đồ sộ gồm hơn 800.000 hiện vật thuộc các lĩnh vực nghệ thuật, lịch sử và khảo cổ học từ khắp nơi trên thế giới.