Khai mạc hội nghị, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà nhấn mạnh, công tác sưu tầm hiện vật có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động của bảo tàng, là yếu tố có tính quyết định sự hình thành, tồn tại và phát triển của mỗi bảo tàng. Thời gian qua, các Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước đã không ngừng sưu tầm, bổ sung các hiện vật, tài liệu có giá trị, làm phong phú kho cơ sở, đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn.
Công tác sưu tầm hiện vật được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau như: thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc thu thập hiện vật tại thực địa, mua bán, tiếp nhận hiến tặng, trao đổi, điều chuyển, chuyển giao. Đến nay, đã có nhiều hiện vật gốc, bộ sưu tập hiện vật độc đáo liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh được lưu giữ, phục vụ cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Hà Nội và các địa phương trong cả nước.
Theo ông Vũ Mạnh Hà, hội nghị là cơ hội để các bảo tàng trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giúp công tác sưu tầm các hiện vật về Người đạt hiệu quả; để những hiện vật thực sự trở thành di sản văn hóa, là tài sản quốc gia, góp phần phát huy giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nước và mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề mới đặt ra với công tác sưu tầm trong giai đoạn hiện nay như loại hình, phương thức sưu tầm, việc quản lý hồ sơ tư liệu, hiện vật tại các bảo tàng và di tích. Các đại biểu tham dự đã đề xuất nhiều giải pháp để công tác sưu tầm hiện vật đảm bảo được cả số lượng và chất lượng, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý hồ sơ tài liệu, hiện vật; đồng thời bảo quản, phát huy các hiện vật một cách tốt nhất cho công tác trưng bày, giáo dục tại các bảo tàng và di tích.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường, Trưởng phòng Sưu tầm, Bảo tàng Hồ Chí Minh, công tác sưu tầm hiện vật gặp nhiều khó khăn do số lượng tài liệu, hiện vật liên quan trực tiếp đến Chủ tịch Hồ Chí Minh có giới hạn, trong khi số đơn vị, tổ chức, cá nhân hướng tới sưu tầm hiện vật liên quan đến Người ngày càng nhiều.
Bên cạnh đó, có một số cá nhân, tổ chức không muốn hiến tặng hiện vật; thời gian càng lâu, nhiều hiện vật có khả năng rơi vào quên lãng. Để đẩy mạnh công tác sưu tầm hiện vật về Bác Hồ, các bảo tàng và di tích cần tăng cường truyền thông; giải quyết mối quan hệ giữa hiện vật số và hiện vật gốc; kết hợp phương thức sưu tầm truyền thống (vận động hiến tặng và tiếp nhận) với việc mua hiện vật; huy động xã hội hóa trong công tác sưu tầm hiện vật.
Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế Lê Thùy Chi chia sẻ, bảo tàng đang lưu giữ và trưng bày hơn 18.000 hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công tác sưu tầm tư liệu, hiện vật luôn được bảo tàng nghiêm túc thực hiện và có kế hoạch cụ thể theo từng mốc thời gian. Ngoài việc sưu tầm các hiện vật liên quan trực tiếp đến Người, Bảo tàng còn triển khai xác minh và sưu tầm các di sản phi vật thể về Người tại Thừa Thiên - Huế như tục đặt tên họ Hồ tại A Lưới, các bài thơ, ca, hò, vè mang tính truyền miệng, tục thờ cúng Bác Hồ trong các gia đình; sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật, tranh cổ động nhằm làm phong phú thêm các loại hình hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, ngoài huy động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hiến tặng hiện vật, bảo tàng cũng thí điểm xây dựng nguồn kính phí để mua lại các tác phẩm nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong khuôn khổ hội nghị, còn diễn ra chương trình gặp mặt các Anh hùng Lực lượng vũ trang, các nhân chứng lịch sử đã được gặp Bác Hồ như anh hùng Hồ A Vai, Hồ A Nun, Hồ Kăn Lịch… và các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở huyện miền núi A Lưới.