Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định Khúc Mạnh Kiên cho biết, Buổi lễ đón nhận bằng công nhận của UNESCO là dịp để quảng bá, tôn vinh các giá trị đặc sắc của di sản văn hóa “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” nói chung và hình ảnh quê hương Nam Định giàu truyền thống văn hóa với nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế. Tỉnh Nam Định sẽ tổ chức lễ đón bằng trang trọng, tiết kiệm, thể hiện được bản sắc và giá trị của di sản "Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt” mà Nam Định là trung tâm. Sau lễ đón bằng công nhận ghi danh của UNESCO, chương trình nghệ thuật tập trung thể hiện rõ các giá trị tiêu biểu của tín ngưỡng thờ mẫu, nhất là hát văn. Tỉnh Nam Định không tổ chức các giá hầu trên sân khấu trong lễ đón bằng công nhận.
Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thờ Mẫu là tín ngưỡng có từ lâu đời của cư dân bách Việt. Đối tượng thờ phụng gồm những nhân vật nữ có công đức được dân gian sùng bái là Thánh Mẫu - người mẹ của trăm họ như: Mẫu Thoải, Mẫu Âu Cơ, Bà Chúa Thượng Ngàn, Bà Liễu Hạnh, Bà chúa Kho…, mỗi vị Thánh có hiệu linh riêng. Tỉnh Nam Định được coi là địa phương có các trung tâm thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh tiêu biểu với những nơi lưu giữ sự tích về sự giáng thế của Mẫu như Phủ Dầy, Phủ Nấp và gần 400 nơi thờ cúng thánh Mẫu. Thánh mẫu Liễu Hạnh còn được thờ cúng tại các đền, phủ lớn khác gắn với huyện thoại về bà như Phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Sòng (Thanh Hóa), đền Bắc Lệ (Lạng Sơn)…Tín ngưỡng thờ Mẫu lan tỏa và được thực hành ở nhiều địa phương bởi các giá trị: Giáo dục lòng yêu nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần hòa hợp dân tộc, sáng tạo văn hóa dân gian, đề cao vai trò của người phụ nữ...
Trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt, nghi lễ lên đồng được coi là trung tâm. Đây thực chất là một hình thức diễn xướng dân gian, thể hiện đức tin về sự giáng/nhập của các vị thần. Các giá đồng bao gồm hát văn, trang phục, múa thiêng được kết hợp hài hòa… Để nghi lễ lên đồng không bị biến tướng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị cần có quy định thống nhất về trang phục hầu đồng, đồ cung tiến, vàng mã… để tránh hiện tượng lãng phí tiền của vào đồ lễ trong các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu. Mặt khác, các đơn vị chức năng cần tuyên truyền, phổ biến để các thầy đồng hiểu được giá trị nhân văn cao đẹp và bản sắc văn hóa trong “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” mà UNESCO đã ghi nhận. Việc này để đảm bảo việc thực hành nghi lễ đúng theo bản sắc tín ngưỡng dân gian chứ không phải là hành vi lợi dụng đức tin để trục lợi, hành nghề mê tín dị đoan…
Trong ngày 10/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra bản Dự thảo chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” giai đoạn 2017 - 2020.