Dự án trên đề ra mục tiêu sẽ mở ra cho du khách và người dân Đà Lạt một loại hình văn hóa, một món ăn tinh thần mới ở “Thành phố ngàn hoa” này trong dịp Festival Hoa Đà Lạt 2022.
Tại buổi công bố ra mắt Dự án chính kịch lịch sử Việt tại Dalat Opera House ngày 8/11, Nhà thiết kế, diễn viên Sĩ Hoàng cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng loại hình nghệ thuật này sẽ trở thành sản phẩm du lịch của Đà Lạt. Dalat Opera House sẽ là địa chỉ du lịch đậm chất văn hóa - nghệ thuật về đêm dành cho người Đà Lạt, cho du khách đến với thành phố hoa. Dự án cũng hướng tới khán giả học sinh, sinh viên, giống như bài học ngoại khóa thú vị bên cạnh những môn học chính khóa”.
Theo Chương trình biểu diễn của Công ty cổ phần Sử Việt phối hợp với Nhà hát Dalat Opera House, 2 vở kịch nói nổi tiếng này sẽ được công diễn 2 suất miễn phí vào ngày 26 và 27/11/2022, đúng vào dịp Festival Hoa Đà Lạt 2022 đang diễn ra. Trong đó, vở “Yêu là thoát tội” đoạt Huy chương Bạc trong Liên hoan Sân khấu kịch toàn quốc năm 2018 sẽ công diễn vào ngày 26/11.
Còn vở “Khóc giữa trời xanh” đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu kịch toàn quốc năm 2021 sẽ được công diễn vào ngày 27/11 tại Dalat Opera House. Đây là nhà hát nằm ngay trong lòng “Bông hoa Dã quỳ” nổi tiếng trên Quảng trường Lâm Viên Đà Lạt, với sức chứa trên 900 chỗ ngồi.
Nghệ sĩ Ưu tú Cao Đức Xuân Hồng, đạo diễn của vở kịch “Yêu là thoát tội” cho biết: Vở diễn lấy cảm hứng từ vụ án lịch sử Lệ Chi viên, lý giải cái chết bí ẩn của vua Lê Thái Tông. Trong đó, khai thác yếu tố tâm tư, tình cảm của các nhân vật chính, với nguồn cơn khởi sự từ tình yêu.
Vở kịch truyền tải thông điệp, tình yêu chân thành không có tội, bởi suy cho cùng, con người được sinh ra từ tình yêu, vì tình yêu mà mang tội và cũng nhờ tình yêu mà thoát tội. Theo Đạo diễn Cao Đức Xuân Hồng, vở kịch thể hiện bằng cảm xúc nội tâm rất phù hợp với cốt cách, văn hóa của người Đà Lạt cũng như không khí của vùng đất này.
Vở kịch “Khóc giữa trời xanh” của tác giả Lê Chí Trung, Đạo diễn Phùng Nguyên được cảm tác từ nỗi oan khuất và thân phận bi thương của Thái sư Lê Văn Thịnh thời nhà Lý. Đây là người đã cùng Lý Thường Kiệt làm nên 2 cánh tay văn - võ cho vua Lý Thái Tông. Thông điệp của vở kịch là không thể an phận, nhắm mắt làm ngơ trước những tiêu cực. Khi phải lên tiếng tức là rước hiểm nguy vào thân còn hơn bị dằn vặt, cắn dứt, tự thấy mình hèn mọn, nhục nhã…
Đơn vị thực hiện Dự án chính kịch sử Việt cho biết Dự án mong muốn sẽ trở thành một địa chỉ du lịch đậm chất văn hóa nghệ thuật về đêm và là một trong những sản phẩm du lịch của Đà Lạt. Trong đó 2 vở kịch trên sẽ tiếp tục được diễn mỗi tháng 1 lần trên thành phố này. Đồng thời, đơn vị sẽ tiếp tục xây dựng những vở kịch gắn với lịch sử, con người Đà Lạt. Đây cũng là tiếng nói để đánh động tâm lý gửi tới các diễn viên, sinh viên người Đà Lạt đã từng học tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh quay trở lại phục vụ quê hương mình…