Sự cuốn hút ấy trước hết bắt nguồn từ nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của biển, đảo, như: Hòn Chồng, Hòn Mun, Hòn Tằm, Hòn Nội, bãi biển trung tâm thành phố, bãi Dương, bãi Hòn Chồng, bãi Nhũ Tiên… Tuy nhiên, nếu cho rằng du lịch Nha Trang chỉ dựa vào vẻ đẹp thiên nhiên biển, đảo để “giữ chân” du khách thì thật sự phiến diện, bởi mỗi thắng cảnh nơi đây phần lớn đi cùng những câu chuyện, sự tích, huyền thoại, thơ ca… khiến cho hệ thống các danh thắng gắn bó chặt chẽ với đời sống văn hóa của thành phố.
Và hơn hết, những tập tục, lễ hội, hoạt động văn hóa lâu đời gắn liền với đời sống của ngư dân vùng biển nơi đây như: Hò bá trạo, Lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ hội cầu ngư, Lễ hội Yến sào, Hô bài chòi… cùng tính cách hiền hòa, thân thiện, mến khách của người Nha Trang, đã góp phần quan trọng tạo sức hút cho du khách đến với nơi này.
Ông Hồ Văn Mừng, Bí thư Thành ủy Nha Trang từng bày tỏ: “Con người Nha Trang vốn có bản tính cần cù, chăm chỉ trong lao động, sản xuất, hòa hiếu, nhiệt tình trong các mối quan hệ gia đình và xã hội, thái độ ung dung, nhàn nhã, ít chộn rộn, ồn ào và phần đông thích cuộc sống an yên, lấy chữ “nhàn” làm quý, không mạo hiểm và có chút phong lưu, phóng khoáng”.
Là tỉnh lỵ của Khánh Hòa, Nha Trang có diện tích trên 251km2, dân số hiện nay khoảng 423 nghìn người. So với các đô thị thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Nha Trang nổi bật với điều kiện khí hậu ôn hòa, dễ chịu, phù hợp để khai thác tiềm năng du lịch vào mọi thời điểm trong năm, bao gồm cả hai mùa mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa chỉ kéo dài trong hai tháng, từ tháng 10 đến tháng 11 Âm lịch; thời gian còn lại là mùa khô, Nha Trang luôn tràn ngập nắng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), chia sẻ: Tự nhiên đã ưu đãi cho Nha Trang những lợi thế về đa dạng sinh thái, con người đã tụ họp về vùng đất này theo từng nhóm, từng đợt, từng thời kỳ lịch sử khác nhau và đã cùng nhau sinh sống hài hòa với tự nhiên, với nhau, cùng sáng tạo và duy trì những biểu đạt văn hóa đa dạng, đó là nguồn nội lực quan trọng cho sự phát triển hài hòa và nhân văn của thành phố. Nội lực văn hóa của Nha Trang được xây dựng nên bởi những dạng thức văn hóa cơ bản là: Văn hóa châu thổ, văn hóa sông nước, văn hóa núi rừng và văn hóa biển, đảo. Mỗi dạng thức lại vô cùng đa dạng hình thức biểu đạt. Đây là nguồn tài nguyên giàu có cho Nha Trang trong phát triển kinh tế, xã hội, mở rộng giao lưu hội nhập trong nước và quốc tế, đặc biệt là phát triển du lịch.
Từ ngày 20 - 23/3 Âm lịch hàng năm, hàng chục nghìn khách hành hương của các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai... lũ lượt kéo về ngôi tháp chính tại Khu di tích Tháp Bà Ponagar để dâng lễ vật cúng Thiên Y Thánh Mẫu Ana. Tháp Bà Ponagar tọa lạc trên đồi Cù Lao nằm cạnh dòng sông Cái, thuộc địa bàn phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; được xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo của người Chăm và đã tồn tại hơn 1.200 năm.
Lễ hội Tháp Bà Ponagar là lễ hội lâu đời nhằm tưởng nhớ Thiên Y Thánh mẫu Ana, người được dân gian tôn vinh là Mẹ xứ sở của vùng đất Nam Trung Bộ, qua đó cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống trăm họ bình yên.
Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, nhấn mạnh: Tháp Bà Ponagar Nha Trang là di sản văn hóa tiêu biểu, nổi bật của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và của cả nước nói chung, được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1979 và Lễ hội Tháp Bà Ponagar Nha Trang được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2012. Đây là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm của chính quyền và nhân dân Khánh Hòa trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị cũng như tôn vinh, quảng bá nét đẹp và giá trị tâm linh, tín ngưỡng của di tích đến với người dân vùng Nam Trung Bộ, du khách trong nước và quốc tế.
Hơn 20 năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã khởi tạo và duy trì tổ chức Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa, định kỳ hai năm/lần tại thành phố Nha Trang. Festival đề cao những nét đẹp văn hóa truyền thống và đương đại của Nha Trang nói riêng, Khánh Hòa nói chung. Mỗi kỳ Festival đến, du khách lại được hòa mình vào hàng chục hoạt động đẫm sắc màu văn hóa biển đảo của địa phương. Những lễ hội Cầu ngư, Yến Sào, Hò Bá trạo, đua thuyền thúng, đánh cờ người… lại được trình diễn, tái hiện, khiến du khách như đắm mình vào dòng chảy văn hóa hàng trăm năm của xứ sở này.
Sự kết hợp giữa vẻ đẹp thiên nhiên phong phú và sự đa dạng văn hóa khiến Nha Trang phát triển được hầu hết các loại hình du lịch: Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao; du lịch khám phá, mạo hiểm; du lịch kết hợp; du lịch theo các khu vực địa lý với du lịch biển, núi, sông nước; tham quan đô thị, làng quê. Đặc biệt, Nha Trang còn có những hình thức du lịch đặc biệt mà hiếm có nơi nào có được như: du lịch thiền, chữa bệnh, khám phá đáy biển… Với sự đa dạng như vậy, du lịch đã mang về nguồn thu lớn cho Nha Trang. Năm 2023 toàn tỉnh Khánh Hòa đón khoảng 7 triệu lượt du khách, trong đó, số du khách đến Nha Trang chiếm khoảng 80%, tổng thu từ du lịch của Nha Trang đạt 23.850 tỷ đồng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, phân tích, Nha Trang hội đủ các yếu tố văn hóa biển, văn hóa núi, trung du, song văn hóa biển đậm chất hơn, luôn là giá trị đặc trưng của Nha Trang. Không phải ngẫu nhiên mà lễ hội Nghinh Ông là một phần bản sắc và giá trị phi vật thể của văn hóa Nha Trang. Văn hóa biển ở Nha Trang còn được thể hiện trong ẩm thực.
Bên cạnh lợi thế về thắng cảnh biển, đảo, Nha Trang còn có nhiều thắng cảnh khác như: núi Cô Tiên, núi Sạn, núi Phượng Hoàng, núi Trại Thủy, núi Một, núi Cảnh Long nằm trong lòng phố thị. Rồi suối khoáng nóng Tháp Bà, cồn Dê, sông Cái… Mỗi thắng cảnh đi cùng các câu chuyện, sự tích, huyền thoại, thơ ca… khiến cho hệ thống các danh thắng gắn bó chặt chẽ với đời sống văn hóa của thành phố.
Nha Trang vừa tổ chức hàng loạt sự kiện nhân kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024). Lúc hình thành tên gọi, thị trấn Nha Trang có 4 làng: Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài. Nhiều năm qua, thành phố Nha Trang được đầu tư phát triển mạnh mẽ trên nhiều mặt. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tập trung thực hiện các chương trình hành động nhằm hiện thực hóa, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị “Về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm xây dựng tỉnh Khánh Hòa sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế. Trong đó, thành phố Nha Trang được xác định sẽ là đô thị hạt nhân, là một trong ba vùng kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh.
Khi đề xuất về tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa trong phát triển du lịch ở thành phố Nha Trang thời gian tới, Thạc sĩ Trịnh Thị Phượng - Học viện Chính trị khu vực II cho rằng: Cần tiến hành tổ chức triển khai điều tra, khảo sát và trải nghiệm để đánh giá tiềm năng, thế mạnh du lịch của thành phố về văn hóa, lịch sử, con người, về các lễ hội truyền thống, danh thắng, các điểm đến, tour, tuyến, sản phẩm du lịch đặc thù và nổi trội… Trên cơ sở đó, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của Thành phố 100 tuổi trong một không gian thống nhất và đồng bộ để tạo được thế mạnh của địa phương.
Ông Hồ Văn Mừng, Bí thư Thành ủy Nha Trang chia sẻ, Nha Trang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong công tác chăm lo gìn giữ, xây dựng văn hóa, con người thành phố Nha Trang, xem đây là trách nhiệm quan trọng hàng đầu, nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mỗi người dân thành phố. Địa phương tiếp tục nêu cao, khơi dậy khát vọng vươn lên trong cuộc sống và xây dựng quê hương giàu đẹp trong mỗi công dân, đặc biệt là thế hệ trẻ của thành phố, bởi ý chí và lòng quyết tâm mới là động lực vượt qua khó khăn, tìm giải pháp để biến ước mơ, hoài bão thành hiện thực.