Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Du lịch văn hóa được UNESCO định nghĩa là loại hình du lịch trong đó mục đích cơ bản của du khách là tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm và tiêu dùng các sản phẩm văn hóa vật thể, phi vật thể tại điểm đến du lịch. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), thời điểm trước dịch COVID-19, du lịch văn hóa đóng góp 37% du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng 15% mỗi năm.
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã xác định du lịch sớm trở thành một trong những ngành kinh tế chủ chốt của đất nước và yêu cầu phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và giá trị văn hóa trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
"Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đảng ta đã xác định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và hoàn thiện thị trường văn hóa. Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng Việt Nam là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI", ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết.
Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2767/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa. Theo đó, thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam được định vị dựa trên giá trị văn hóa đặc sắc, tập trung vào giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao và được thị trường đón nhận tích cực. Việt Nam Phấn đấu đến năm 2030, du lịch văn hóa chiếm 20 - 25% trong tổng số khoảng 130 tỷ USD tổng thu từ khách du lịch.
Với những chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, chính sách về phát triển du lịch văn hóa thuận lợi, loại hình du lịch văn hóa đã có điều kiện được quan tâm, đầu tư và có nhiều kết quả khả quan. Những sản phẩm du lịch kết hợp với phát huy giá trị văn hóa như tour kết nối di sản thế giới các nước ASEAN, Hành trình di sản miền Trung, các lễ hội của Việt Nam như Festival nghệ thuật Huế, Festival biển Nha Trang, Carnavan biển Hạ Long, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival hoa Đà Lạt, Lễ hội ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội trái cây Nam Bộ, Liên hoan ẩm thực ba miền...Các giá trị nghệ thuật gần đây cũng được doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như chương trình thực cảnh "Ký ức Hội An’’, "Áo dài’’, "Tinh hoa Bắc Bộ’’, "Múa rối nước’’, "À Ố Show’’. Ngoài ra, các tour du lịch làng nghề thời gian qua cũng là sự lựa chọn hàng đầu đối với khách quốc tế khi đến Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu so với tiềm năng, lợi thế, các giá trị văn hóa to lớn của đất nước thì việc phát triển du lịch văn hóa vẫn hạn chế. Đặc biệt là các sản phẩm về công nghiệp văn hóa chưa phát triển nhiều để phục vụ cho nhu cầu du lịch. Trong nhiều năm, du lịch Việt Nam được cho là rất thiếu các sản phẩm du lịch trình diễn, tương tác và trình diễn văn hóa, thiếu các công trình văn hóa nghệ thuật, các trung tâm văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Trong thế kỷ XX (cho đến 1980), du lịch và văn hóa là hai mảng riêng biệt của các điểm đến. Tài nguyên văn hóa được coi là một phần của di sản văn hoá, liên quan đến giáo dục, đến nền tảng bản sắc văn hóa địa phương hoặc quốc gia.
Còn du lịch trước đây được coi là một hoạt động liên quan đến giải trí và tách biệt với cuộc sống hàng ngày và văn hóa của người dân địa phương. Đến cuối thế kỷ XX, đặc biệt là từ năm 1980 trở đi, quan hệ văn hóa – du lịch đã thay đổi nhanh chóng, vai trò của tài nguyên văn hóa trong việc thu hút khách du lịch và tạo ra sự khác biệt giữa các điểm đến đã rõ ràng hơn và tài nguyên văn hoá đã được xem là nguồn lực chính để phát triển kinh tế ở nhiều vùng, nhiều địa phương.
“Sau dịch COVID-19, vai trò của du lịch văn hoá ngày một quan trọng hơn, vì loại hình này đã tăng thêm việc làm ở các vùng có tài nguyên văn hóa, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, việc đưa yếu tố văn hóa vào các sản phẩm du lịch sẽ làm tăng sự hấp dẫn, nâng cao giá trị của các sản phẩm du lịch. Khi du lịch được đưa vào chiến lược phát triển, văn hoá du lịch trở thành một phương tiện quan trọng hỗ trợ cho công tác bảo tồn di sản và phát triển công nghiệp văn hóa”, ông Vũ Thế Bình cho biết.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, đơn vị du lịch giới thiệu các sản phẩm du lịch gắn với văn hoá cụ thể tại địa phương. Quan hệ giữa du lịch và văn ngày càng chặt chẽ do tầm quan trọng của cả văn hoá và du lịch trong phát triển kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo ra một động lực phát triển mạnh mẽ kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Tạ Quang Đông khẳng định: Văn hóa là một tiềm năng, trụ cột để phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, việc khai thác văn hoá cho hoạt động du lịch vẫn còn thiếu. Cụ thể, thị trường du lịch đang thiếu vắng những gì để nghe nhìn. Tại Việt Nam một số điểm du lịch như tại Hội An có một số điểm có show diễn. Tuyên truyền quảng bá văn hóa du lịch Việt Nam vẫn đang bỏ ngỏ.
“Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam đang xây dựng chương trình Việt Nam huyền sử ca, dễ thưởng thức, dễ lan tỏa, đưa những cái mới nhất của công nghệ vào; tính giáo dục; tính thẩm mỹ, nằm trong tổng thể để chương trình thu hút được khách. Trong thời gian tới, hình thành liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh”, ông Tạ Quang Đông cho biết.