Đừng 'bỏ quên' mảng viết về nông thôn

Nông nghiệp, nông thôn là một mảng đề tài lớn trong sáng tác văn học, nhưng hiện nay, vì nhiều lý do, mà mảng đề tài này ít được các tác giả quan tâm.

Tiểu thuyết "Bí thư tỉnh ủy" của nhà văn Vân Thảo về đề tài nông thôn đã được chuyển thể thành phim truyền hình. Ảnh: VFC.

Hơn nửa thế kỷ qua, ngoài mảng đề tài về chiến tranh, thì nông nghiệp, nông thôn và nông dân là một trong những mảng đề tài lớn, thu hút sự quan tâm của nhiều thế hệ cầm bút, và cũng là mảng đề tài mang đến những thành tựu lớn cho các tác phẩm văn học Việt Nam. 


“Mảnh đất” tốt 


Trong quá khứ, những tác phẩm văn học xuất sắc về đề tài nông thôn và người nông dân như: “Bước đường cùng”, “Đồng hào có ma” của Nguyễn Công Hoan; “Tắt đèn”, “Việc làng” của Ngô Tất Tố; Chí Phèo, Lão Hạc của Nam Cao; “Làng” của Kim Lân... 


Giai đoạn sau đổi mới, đề tài nông thôn cũng có nhiều khởi sắc, có thể kể đến một số tiểu thuyết nổi tiếng như: “Mưa mùa hạ” của Ma Văn Kháng, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Cù lao chàm” của Nguyễn Mạnh Tuấn, “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Lão Khổ” của Tạ Duy Anh, “Thời xa vắng” của Lê Lựu, "Lá non” của Ngô Ngọc Bội, "Người giữ đình làng” của Dương Duy Ngữ, "Ma làng” của Trịnh Thanh Phong... Nhiều truyện ngắn viết về nông thôn cũng để lại nhiều ấn tượng tốt trong lòng độc giả như “Khách ở quê ra”, “Phiên chợ Giát” của Nguyễn Minh Châu, “Những bài học nông thôn”, “Thương nhớ đồng quê” của Nguyễn Huy Thiệp, “Bước qua lời nguyền” của Tạ Duy Anh, “Bến trần gian” của Lưu Sơn Minh, “Nỗi đau dòng họ” của Sương Nguyệt Minh, “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư... 


Thưa vắng tác phẩm 


Tuy nhiên, những năm gần đây, văn học về đề tài nông thôn, nông dân đang ngày một ít đi, những tác phẩm hay về mảng đề tài lớn này đang dần vắng bóng. Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng thừa nhận, đề tài nông nghiệp và nông thôn là một trong những đề tài lớn của văn học Việt, tuy nhiên, thời gian gần đây, mảng đề tài này dường như thưa vắng hơn. 


Nhiều nhà văn thừa nhận, những tác phẩm về nông thôn, nông dân bây giờ rất ít, đặc biệt là lớp tác giả trẻ, dường như rất ít người viết về mảng đề tài này. Theo nhà văn Lê Minh Khuê, mặc dù ở nông thôn có một lượng độc giả rất lớn, nhưng văn học về đề tài nông nghiệp, nông thôn và nông dân hiện nay có ít người viết, có lẽ vì mảng đề tài này không còn hấp dẫn bằng những mảng đề tài khác, ví dụ như đề tài về thành phố, vừa dễ viết, lại không mất quá nhiều thời gian thực tế, trong khi đó, để viết về nông thôn, tác giả phải dành nhiều thời gian hơn, đi thực tế địa phương nhiều hơn mới có đủ tư liệu để viết. Mặc dù vậy, nhà văn Lê Minh Khuê thừa nhận, tuy ít người viết, nhưng nếu có người viết, thì những tác phẩm văn học viết về nông thôn thường viết rất hay, rất sinh động. 


Nhà văn Vân Thảo, tác giả cuốn tiểu thuyết “Bí thư Tỉnh ủy” đã được dựng thành phim truyền hình, đồng thời là người viết kịch bản của 2 bộ phim truyền hình về nông thôn trong thời lỳ đổi mới là “Vui buồn sau lũy tre làng”, “Hương đất”... chia sẻ, bây giờ, các tác phẩm về nông thôn, nông dân thực chất rất ít. Lớp người viết trẻ bây giờ dường như không muốn đi vào lĩnh vực này, mà họ chú trọng nhiều hơn đến những xung đột xã hội, đời sống xã hội... Trong khi đó, đại bộ phận người Việt là nông dân hiện nay dường như bị bỏ rơi, họ không được thừa hưởng văn hóa nói về mình, thậm chí ngay cả trên phim ảnh, tràn ngập những bộ phim do xã hội đô thị đẻ ra như tình yêu đại gia với chân dài, lừa lọc, ngoại tình... 


Hòa mình vào thực tiễn


Tại sao các nhà văn bây giờ lại ít viết về nông thôn, nông dân? Liệu có phải vì mảng đề tài này viết khó? Trả lời câu hỏi này, nhà văn Vân Thảo cho rằng, đề tài nông thôn không hẳn khó, thậm chí có phần dễ hơn những đề tài khác, bởi vẫn cái cày, cuốc, vẫn là ước vọng của người nông dân... Tuy nhiên, cuộc sống ở nông thôn ít sóng gió hơn, cuộc sống sinh hoạt thường ngày của họ dung dị, không quá nổi bật, không quá nhiều mâu thuẫn, nên nếu muốn viết hay, viết hấp dẫn về mảng đề tài này, người viết cần tìm được cái gốc, cái chất của họ như thế nào để thể hiện trong tác phẩm, đó là điều khó nhất khi viết về nông thôn, nông dân.


“Tôi cũng thường đi về nông thôn, thấy bộ mặt nông thôn đang có nhiều thay đổi. Nhưng gốc rễ của sự thay đổi đó là như thế nào? Nông nghiệp, nông thôn trong thời khoa học kỹ thuật phát triển như thế nào, tư duy lao động, kế hoạch làm ăn của người nông dân thời kỳ mới thay đổi ra sao... viết như thế nào, viết về cái gì, về nông thôn, nông dân để thu hút bạn đọc... đó là điều khiến tôi trăn trở”, nhà văn Vân Thảo chia sẻ. 


Nhiều nhà văn cùng có chung nhận định, rằng văn học không thể “bỏ quên” đề tài về nông ngiệp, nông thôn và nông dân, tuy nhiên, để các nhà văn có tâm huyết hơn, quan tâm hơn đến mảng đề tài này, rất cần có sự cổ vũ, động viên của Nhà nước, của Hội Nhà văn, của các sở, ban, ngành... bằng việc tổ chức phát động các cuộc thi viết, các trại sáng tác về đề tài nông thôn, đồng thời, có thêm những giải thưởng để động viên, khuyến khích các tác giả quan tâm viết về mảng đề tài này... như vậy, chắc chắn sẽ có thêm nhiều tác phẩm văn học hay về đời sống của người nông dân, cũng như sự chuyển mình nhanh chóng của nông thôn hiện nay...


Phương Hà/Báo Tin Tức
Nữ dịch giả Việt Nam nhận giải thưởng văn học dịch Nga
Nữ dịch giả Việt Nam nhận giải thưởng văn học dịch Nga

Ngày 16/2, đúng vào ngày mùng Một Tết Nguyên đán Mậu Tuất, tại trụ sở Hội Nhà văn Nga ở thủ đô Moskva, LB Nga, nhà văn nữ, Moskva, của Việt Nam đã được trao giải thưởng văn học toàn Nga hàng năm “Ngôn từ là sợi chỉ gắn kết” dành cho tác phẩm văn học dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN