Những gì từ trái tim sẽ đến với trái tim, bộ phim "Hai đứa trẻ" quả thật đã tạo ra cơn sốc cảm xúc cho khán giả. Rất nhiều người xem, rất nhiều chia sẻ, rất nhiều bình luận đã được đăng trên cộng đồng mạng.
Facebook Ngoc Lam Nguyen chia sẻ: " Phải nói là em cảm phục phim của anh, từ cảm xúc, chi tiết hình ảnh, các phỏng vấn, khoảnh khắc, câu chuyện... Em xem đi xem lại mấy lần và còn bảo các đồng nghiệp xem. Cứ đến đoạn bài hát và hình ảnh của Thìn là em lại thấy nhói lòng, nó chạm sâu vào cảm xúc tột cùng của người mẹ. Mặc dù chưa làm mẹ nhưng xem phim em đã khóc không biết bao nhiêu. Chúc mừng tác giả".
Facebook Nguyen Kim Hai (BTV Kim Hải của "Cuộc sống thường ngày"- VTV) tâm sự: "Xem phim xong rất đau lòng, người làm cha làm mẹ thấy đứt từng khúc ruột. Tớ cứ tự hỏi nếu là mình, mình sẽ làm gì? Không có câu trả lời nào thoả đáng, chỉ nghĩ một điều duy nhất là Cầu mong chuyện này đừng bao giờ xảy ra. Vụ trao nhầm con của nhà hộ sinh A mà đến tận 40 năm sau mới vỡ lở ra, chị bị trao nhầm muốn đi tìm bố mẹ đẻ mà gõ cửa gần chục gia đình sinh cùng ngày hôm đó ở viện, không ai muốn đi xét nghiệm ADN lại để tìm ra sự thật. 40 năm, gần hết cả 1 đời người, ai muốn cuộc sống mình bị đảo lộn đây? Thôi thì để quá khứ ngủ yên vậy! Nhưng đảm bảo là tất cả những gia đình ấy, họ sẽ luôn sống trong sự dằn vặt, tự vấn. Cứ như thế cho đến hết đời. Bác sĩ nào bồi thường được? Lời xin lỗi nào có thể chấp nhận được?
Chỉ vì sự tắc trách của đội ngũ y bác sĩ sản khoa tại Bình Phước, 2 đứa trẻ đã bị trao nhầm cho 2 gia đình. Để 3 năm sau đó, khi sự thật được phát hiện, cả 2 gia đình đều rơi vào cảnh ngộ éo le. Sự suy sụp của các ông bố bà mẹ và những tổn thương tinh thần của trẻ thơ. Chẳng ai có thể chịu trách nhiệm hay bồi thường được. Lần đầu tiên xem bộ phim tài liệu này, tôi đã mất ngủ cả đêm. Một bộ phim tài liệu thấm đẫm chất liệu đời sống, cảm xúc và giá trị nhân văn".
Facebook Dao Hai Su: "Ừ! Không có cách nào thoả đáng trong trường hợp này. Mình sẽ ôm đứa bé nuôi 4 năm bỏ trốn, nhưng nếu biết đứa con ruột của mình đang là đứa kia làm sao sống yên được. Gì cũng đau đớn trong hoàn cảnh này. Còn làm được gì ngoài trông đợi vào sự cẩn trọng của những người ôm con mình ra khỏi bụng mình. Thế nên nghề nào nhầm lẫn cũng đều gây hậu quả đớn đau nhưng nếu nói nghề đỡ trẻ sơ sinh nhầm lẫn là tội ác thì cũng không là nói quá".
Facebook Hoa Nguyen: "Chúng tôi trao nhầm", "Chúng tôi xin lỗi", "Chúng tôi mong muốn đưa 2 đứa trẻ về đúng với cha mẹ chúng". Bấy nhiêu câu nói thôi, mà mang theo nỗi đau đớn của bao con người. Hình ảnh người mẹ dân tộc đi giữa bao nhiêu ánh mắt, bao nhiêu ống kính phóng viên, rồi ôm mặt khóc ngất. Mình thấy bất nhẫn, vì nỗi đau của chị ấy bị phơi ra như thế, giống như không có chỗ nào để trú ẩn, không có chỗ để nương náu. Nếu là mình, mình sẽ bế đứa con mình nuôi bao năm chạy trốn, khỏi tất cả những tiếng ồn, những ánh đèn flash xung quanh, đến một nơi mình chưa từng biết, không ai biết mình. Như thể tất cả những gì xảy ra, chỉ là giấc mơ.
Ống kính có vẻ nhẫn tâm với nỗi đau của con người, nhưng không có ống kính đó, không có hình ảnh này, sẽ còn bao nhiêu sự vô trách nhiệm kiểu "sơ ý" để mang đến nỗi đau cho bao nhiêu người khác nữa? Các ý bác sỹ ở bệnh viện, họ đánh dấu con người ta bằng những số, với họ đó là những con số, nhưng với mỗi gia đình đó là sinh mạng, đó là tình yêu, là niềm hi vọng, là cả tương lai. Nếu các y bác sỹ ý thức như thế, để cẩn trọng từ trong quy trình, từ trong từng hành động, thì sự "sơ ý" là không bao giờ có, và sự "sơ ý" là không thể nào chấp nhận được.
Một đứa trẻ gần 4 tuổi, em đã nhận thức được hết rồi! Nhưng ngoài việc khóc và van xin đừng đưa con đi, em có thể làm gì khác? Nỗi đau của em chẳng kém gì người lớn, nhưng em không thể chủ động quyết định được cuộc đời của mình. Người lớn bắt thế nào, em chỉ có thể theo như thế mà thôi. Với người lớn, họ mất, nhưng trong mất vẫn có cái được. Họ được lại đứa con máu thịt thực sự của mình. Nhưng với các em, chỉ có mất. Mất đi người cha người mẹ ôm ấp mình suốt những năm thơ bé, mất đi ngôi nhà thân thuộc, mất đi vòng tay ánh mắt thân quen, để về với rất nhiều xa lạ, cho dù ai cũng nói: đó mới là cha mẹ thật của con! Con khóc lạc cả giọng, khóc mệt lử đến không còn sức khóc to thành tiếng nữa: "Mẹ ra rước con đi mẹ. Sao mẹ lại khóc, mẹ ra rước con mẹ khóc à? Khi nào bố dậy mẹ lấy chìa khoá mẹ ra rước con đi mẹ".
Một bộ phim rất đáng để xem, từ cách dựng đan xen, hình ảnh, âm thanh, chất lượng phỏng vấn, nó không khiến người ta cảm giác đang xem phim, mà ta thấy, đó là đời".
Với đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, đây cũng là bộ phim "rút ruột" của người làm cha, người cầm máy như anh. Đạo diễn sinh năm 1980 này chia sẻ: "Thực ra trong suốt quá trình làm phim, nhiều lúc tôi đã khóc bởi tôi cũng có con gái. Riêng đến đoạn trả hai đứa bé về với gia đình, chị Liên quỵ ngã, tôi cũng không cầm lòng được. Tôi cũng trực tiếp cầm máy để ghi hình và tôi đã quên bấm nút ghi hình. Tôi phải kìm nén cảm xúc mất vài giây để bấm nút lưu lại được khoảnh khắc đó...".
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư tâm sự thêm: "Mình không dám tự nhận đó là thành công lớn nhất của mình đối với bộ phim này. Mình chỉ nghĩ bản thân phim có câu chuyện quá mạnh về những nỗi đau, về sự mất mát của hai gia đình hai cháu phải chịu và phim đã nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của khán giả. Chính sự đồng cảm, sẻ chia của khán giả với "Hai đứa trẻ" và gia đình đã giúp khán giả đến gần hơn với câu chuyện và sẵn lòng giúp đỡ hai gia đình. Đó cũng là tinh thần tương thân tương ái vốn quý của người Việt".