Đây là hoạt động nhằm kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 114 năm Quốc tế Phụ nữ; 48 năm thành lập Lực lượng TNXP TP Hồ Chí Minh.
Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cho biết, những năm 1966 - 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở khu vực miền Tây Nam Bộ lên cao trào, cả nước tập trung chi viện cho chiến trường miền Nam và khu Tây Nam Bộ. Trong khi đó, vũ khí và phương tiện chiến tranh chi viện cho miền Nam vận chuyển theo đường Hồ Chí Minh trên bộ (đường Trường Sơn) đã về đến miền Đông Nam Bộ. Việc nối liền đường vận chuyển từ miền Đông về tận mũi Cà Mau để tiếp nhận hàng chi viện là một vấn đề cấp thiết. Vì vậy, tuyến đường 1C ra đời.
Đường 1C nối tiếp đường Hồ Chí Minh trên bộ, từ Tây Ninh, đi trên đất bạn Campuchia, qua biên giới Việt Nam tại Vĩnh Điều (nay thuộc huyện Giang Thành), băng qua rừng tràm Hà Tiên, vượt kênh Tám Ngàn, Mốp Giăng, qua lộ Cái Sắn… về đến Cái Nứa, Ba Đình (huyện U Minh Thượng).
"Lực lượng Thanh niên xung phong trên Tuyến đường 1C huyền thoại trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngoài nhiệm vụ làm làm dân công hỏa tuyến, xây dựng các con đường phục vụ kháng chiến còn là giao liên dẫn đường cho bộ đội, vận chuyển thư từ, hàng hoá, vận chuyển thương binh về tuyến hậu cần để phục vụ cho tiền tuyến. Mặt khác, để hoàn thành được nhiệm vụ đó, những nam, nữ TNXP còn phải chiến đấu quyết liệt với địch để mở đường mà đi, bảo vệ người, bảo vệ hàng, quyết tâm bám trụ giữ vững đường 1C thông suốt. Ngày lo đánh địch, sát cánh chiến đấu cùng bộ đội. Đánh xong trận, bộ đội có thể rút đi nhưng các TNXP vẫn phải bám lại để bảo vệ tuyến đường, những trận mưa bom, đạn pháo dội xuống khốc liệt hơn trước. Khi đêm về, mỗi người một xuồng vận chuyển hàng suốt đêm theo dọc kênh rạch, sông ngòi. Trong suốt những năm tháng hoạt động trên tuyến đường máu lửa 1C cho đến khi tuyến đường chấm dứt hoạt động, đã có 327 TNXP bị thương tật, 399 TNXP hy sinh và 50 anh chị TNXP vẫn chưa tìm được hài cốt", bà Nguyễn Thị Thắm cho biết thêm.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, bà Lâm Thị Minh Tâm, cựu TNXP TP Cần Thơ cho biết, các đội viên TNXP tham gia vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường 1C khi đó đều bị mắc những cơn bệnh trầm kha, do phải sinh hoạt vất vả, ăn uống thất thường, lao động nặng nhọc. Do đó, cả đơn vị đều bị lác ngoài da, ghẻ lở đầy mình, nhất là bàn tay, móng tay thì lần lượt rụng hết; chị em phụ nữ thì hầu như ai cũng mắc bệnh phụ khoa. Những vết cắt cứa da phồng rộp, làm mủ có khi cả tuần mới lành. Ban ngày các chị giăng võng ngủ, có người chưa kịp thay quần áo ướt sũng đã lăn ra ngủ ngon lành. Chiều đến, các chị lo tranh thủ nấu cơm ăn, tranh thủ chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ để đi vận tải hàng hóa. Cơm nước cho bữa ăn càng về sau càng khó nên phải chuẩn bị cơm vắt mang theo. Lâu ngày, nó trở thành nếp sinh hoạt của các anh chị TNXP.
"Chiến trường Tây Nam Bộ cần nhiều súng đạn khẩn cấp nên hàng đêm, TNXP phải chuẩn bị 120 xuồng (chở khoảng 40 tấn hàng) kiên trì qua kênh Vĩnh Tế, có khi một chuyến hàng phải đi đến lần thứ 23 mới qua được kênh Vĩnh Tế. Vì vậy, trong thời chiến kênh xáng “Vĩnh Tế”, còn được mệnh danh là kênh “Vĩnh biệt” vì có đồn bót địch dầy đặc, trung bình cứ khoảng 2,5 km là có chốt đồn, bót của địch canh giữ để ngăn bước chân các TNXP vận chuyển hàng hóa cho chiến trường Nam bộ", bà Lâm Thị Minh Tâm cho biết thêm.
Theo đại diện Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, sau khi đất nước được thồng nhất, ngày 08/1/2024, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lễ khởi công xây dựng “Đền thờ lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường 1C” tại huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Năm 2007, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ thực hiện nghiên cứu, sưu tầm tư liệu và gặp gỡ các nữ TNXP tuyến đường 1C tại các tỉnh Tây Nam Bộ.
"Sau chuyến thực địa nghiên cứu ấy, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã nhận được sự tin yêu, uỷ quyền của doanh nghiệp Golf Long Thành thực hiện trao tặng 100 căn nhà tình nghĩa cho các cô, chị TNXP ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, với tổng trị giá 5 tỷ đồng. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa của Bảo tàng nhằm tri ân, thể hiện sự biết ơn với các cô, các chị nữ TNXP trong kháng chiến nói chung và những nữ TNXP truyến đường 1C nói riêng", bà Nguyễn Thị Thắm chia sẻ.
Nhân dịp này, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cũng giới thiệu đến du khách 2 trưng bày chuyên đề “Yểu điệu thục nữ” và hơn 500 hiện vật từ “Bộ sưu tập trang sức phụ nữ dân tộc" của nhà sưu tập Quốc Dũng”.