Gặp nhau cuối năm nhại Giọng hát Việt để gây cười

Cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc thu hút nhất năm qua trở thành đường dây kịch bản trong chương trình hài được chờ đợi vào mỗi dịp Giao Thừa.

Tối 25/1, đêm ghi hình đầu tiên của Gặp nhau cuối năm diễn ra tại Hà Nội với khán phòng chật kín khán giả. Đến hẹn lại lên, chương trình hài được đầu tư công phu nhất trong năm tiếp tục đưa ra những vấn đề nổi cộm được dư luận quan tâm trong các lĩnh vực kinh tế, giao thông, thể thao, văn hóa, y tế và giáo dục

Năm nay, số lượng Táo được rút xuống còn bốn vị (ít hơn so với mọi năm) để phù hợp với ý tưởng dựa trên format The Voice - Giọng hát Việt. Chí Trung và Quang Thắng vẫn đảm nhiệm lần lượt hai vai Táo Giao thông và Táo Kinh tế, ngồi ở ghế của Đàm Vĩnh Hưng và Trần Lập. Táo Y tế năm ngoái, Vân Dung, kiêm thêm cả mảng Giáo dục và ngồi ghế ứng với vị trí Hồ Ngọc Hà. Minh Hằng hóa thân thành Táo Văn thể và tương ứng với ghế của Thu Minh.


tao63-jpg-1359163348_500x0.jpg
Bốn Táo chính của năm nay ngồi bốn ghế huấn luyện viên nhái của "Giọng hát Việt". Ảnh: Anh Tuấn.


“Chính chủ”, một trong những từ khóa phổ biến nhất năm qua, xuất hiện ngay ở phần đầu chương trình khi Nam Tào - Bắc Đẩu yêu cầu bốn vị Táo tìm “ghế chính chủ” của mình để ngồi chầu Ngọc Hoàng. Khán giả reo hò vỗ tay lúc nhạc hiệu Giọng hát Việt và bốn chiếc ghế được xoay ra sân khấu. Những chiếc nút nhấn chuông chọn thí sinh có chức năng như nút “like” của Facebook.


Chi tiết Trần Lập tự ra nhấn chuông của Hà Hồ và Thu Minh ở vòng Giấu mặt Giọng hát Việt cũng được đưa vào Gặp nhau cuối năm, khi các Táo thi nhau ấn chuông bên cạnh để bắt đối phương phải lên chầu Ngọc Hoàng trước. Chi tiết Mr. Đàm lôi nhẫn kim cương dụ thí sinh về đội, câu nói: “Quốc Cường phải để cho Hà Hồ” hay việc các thí sinh “hét” vào mặt nhau chứ không phải “hát” ở vòng Đối đầu cũng là cái cớ tạo tiếng cười, sự phấn khích cho khán giả.


Từ những phút đầu tiên, nhiều người không thể nhịn cười trước tạo hình của “cô Đẩu” Công Lý năm nay. Trong bộ áo dài màu hồng chóe, Bắc Đẩu vẫn giữ vững phong độ “xăng pha nhớt" như các năm và gây cười bởi những câu thoại dí dỏm. Một trong những yếu tố gây hấp dẫn năm nay là việc Ngọc Hoàng tráo đổi giới tính của Nam Tào và Bắc Đẩu. Công Lý đang diễn vẻ õng ẹo, đong đưa đột ngột phải nói giọng “chuẩn men” còn Xuân Bắc từ hình ảnh “thẳng” trở thành “cong”. Tuy nhiên, sự hoán đổi độc đáo này chỉ diễn ra một lúc.



tao54-jpg-1359163348_500x0.jpg
"Bắc Đẩu" Công Lý và "Nam Tào" Xuân Bắc có khoảnh khắc hoán đổi giới tính cho nhau rất hài hước. Ảnh: Anh Tuấn.


Gangnam Style - bài hát được nghe nhiều nhất năm qua - cũng xuất hiện trong Gặp nhau cuối năm ở phần báo cáo của Táo Kinh tế. Khi lên “thiên đình”, ca khúc này được đổi tên thành Hoang Mang Style, ám chỉ tình trạng của nền kinh tế nói chung trong năm qua. Sự khủng hoảng kinh tế được Ngọc Hoàng Quốc Khánh ví như “con ngựa buồn xuống dốc”. Trong khi đó, Nam Tào Xuân Bắc lại gọi “Hoang Mang Style” là “Mang quan tài”.


Tiết mục hấp dẫn nhất phải kể đến màn khám bệnh với “bác sĩ máy” ở phần chầu của Táo Dân sinh (Y tế - Giáo dục) Vân Dung. Sau khi quanh co về chuyện y đức bác sĩ và văn hóa nhận phong bì, Ngọc Hoàng buộc Táo Dân sinh trở thành bệnh nhân. Nhưng thay vì đưa phong bì trực tiếp cho bác sĩ, Vân Dung phải mua xèng để một robot khám bệnh cho mình. Hình ảnh này đả kích và châm biếm tình trạng ngành y hiện nay khám chữa bệnh vô cảm như một cái máy. Những vấn đề dân sinh tồn đọng từ các năm trước như bệnh thành tích ở ngành giáo dục, cô giáo đánh học sinh, “trường ca phong bì” vẫn được đưa trở lại năm nay và gọi chung bằng từ “nát bét”.


tao-11-jpg-1359163348_500x0.jpg
Táo Dân sinh Vân Dung có phần chầu hấp dẫn và hài hước nhất năm nay. Ảnh: VTV.


Các mảng Giao thông, Thể thao, Nhà đất, Kinh tế đều khai thác sâu vào những vấn đề gây xôn xao dư luận năm qua. Mảng Giao thông đề cập đến những đề xuất thiếu thực tế như “xe chính chủ”, thay đổi giờ giấc... Táo Giao thông Chí Trung còn hài hước nộp hồ sơ sang Táo Văn thể đề xuất xin nạn “tắc đường” ở Việt Nam trở thành Di sản văn hóa thế giới. Táo Kinh tế Quang Thắng tập trung chính vào vấn đề “nợ xấu” và kiểm soát hoạt động ngân hàng.


Mảng Thể thao nói kỹ về tương lai của nền bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trước tình trạng một ông bầu quản lý nhiều đội bóng, dàn dựng tỷ số để cá độ, giá và lối sống “ảo” của các cầu thủ. Danh hài Thành Trung xuất hiện trong vai một cầu thủ đóng kịch rất giỏi để kiếm tiền từ những màn bán độ. Câu chuyện cầu thủ Huy Hoàng gây tai nạn khi đang phê thuốc, lắc lư trong xe ôtô cũng được đưa vào.


Mảng Văn hóa - Giải trí chỉ được nói lướt qua với ba vấn đề chính là văn hóa thần tượng K-pop, việc trùng tu di tích lịch sử và quản lý nghệ thuật biểu diễn của nghệ sĩ. Những vấn đề khác được quan tâm hơn năm qua như tai tiếng của các cuộc thi truyền hình, Hoa hậu “Ao làng”, vụ Mr. Đàm “khóa môi” nhà sư hay đường dây người mẫu bán dâm giá nghìn đô không được nhắc đến.


Vấn đề khá mới được khai thác lần này là chuyện đất đai. Nhân vật mới của Táo quân 2013 là Thổ Địa (do Tự Long đảm nhiệm). Thổ Địa đề cập đến chuyện cải cách đất đai, trốn nợ, thị trường đất đóng băng...


tao41-jpg-1359163349_500x0.jpg
"Gặp nhau cuối năm" kéo dài 3 tiếng rưỡi và kể nhiều chuyện rông dài. Tuy nhiên, phiên bản chiếu truyền hình sẽ được cắt dựng ngắn gọn và hấp dẫn hơn. Ảnh: Anh Tuấn.


Kỷ niệm 10 năm kể từ lần đầu trở thành “món ăn tinh thần” của người dân mỗi dịp Giao thừa, Gặp nhau cuối năm có những khoảnh khắc điểm lại hình ảnh các năm trước. Tuy nhiên, lần này, chương trình bắt đầu nhạt dần. Khán giả ban đầu hào hứng nhưng càng về sau càng buồn ngủ và mệt mỏi. Trong khi Táo Văn thể vẫn còn đang diễn giải, nhiều người đã đứng dậy bỏ về vì không đủ kiên nhẫn theo dõi tiếp. Thay vì các tình tiết có tính châm biếm cao, Táo quân 2013 có nhiều câu thoại hơi khô khan và chọc cười người xem theo kiểu cù lét, dễ dãi. Những màn chế nhạc, hát nhép của chương trình lần này cũng kém hấp dẫn hơn.


“Cạp đất”, một trong những từ khóa nổi bật nhất năm qua, xuất hiện hai lần nhưng đều đặt ở những ngữ cảnh, câu thoại không mấy ấn tượng. Khách mời đặc biệt - ca sĩ Minh Quân - trong vai Thiên Lôi cũng khá nhạt nhòa. Phần hóa trang của Minh Quân rất cầu kỳ nhưng khi đứng cạnh Xuân Bắc và Công Lý anh vẫn hoàn toàn bị lép vế.


Kịch bản hơi nghiêm túc, thiếu đi sự dí dỏm nên phần trình bày, báo cáo của các Táo giống như một bản tường thuật các sự kiện nổi bật trong năm. Trong số đó, Vân Dung trong vai Táo Dân sinh là người có phần chầu Ngọc Hoàng hấp dẫn nhất.


tao-5-jpg-1359163349_500x0.jpg
Vai trò của Minh Quân (phải) trong hình ảnh Thiên Lôi, "avatar" trên "trang Facebook của Thiên Đình" khá nhạt nhòa và chưa gây được ấn tượng. Ảnh: VTV.


Phần kết thúc cũng không có gì đặc biệt. Tiến Dũng, một khán giả 26 tuổi, nói: “Đoạn kết thì chẳng có gì đổi mới so với các năm trước”. Thanh Vân, một khán giả khác lại góp ý: “Có lẽ trong những năm tới, kịch bản Gặp nhau cuối năm nên có sự đổi mới, đột phá hơn trong cách kể chuyện, đặc biệt là đoạn kết để tránh tình trạng đầu voi, đuôi chuột như thế này”.


Sau đêm tổng duyệt đầu tiên tối 25/1, Gặp nhau cuối năm tiếp tục ghi hình trong hai ngày 26/1 và 27/1. Từ những thước phim trong cả ba đêm, Đài truyền hình Việt Nam sẽ cắt dựng lại sao cho ngắn gọn, hấp dẫn để phát thành chương trình hoàn chỉnh vào 20h đêm Giao thừa (9/2). Dù có phần “đuối” hơn các năm trước, đây vẫn là một trong những chương trình hài chất lượng, công phu nhất trong năm, giúp khán giả nhìn lại những sự kiện xã hội nổi bật năm qua.



Theo vnexpress

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN