Nụ cười bí ẩn của nàng Mona Lisa trong kiệt tác của danh họa Phục hưng Leonardo da Vinci đã mê hoặc cả thế giới, tuy nhiên, đây không phải là nụ cười khó hiểu nhất mà họa sĩ thiên tài này tạo ra. Hai bức tranh "Mona Lisa" và "La Bella Principessa". |
Mới đây, các nhà nghiên cứu của hai trường Đại học Sheffield Hallam và Sunderland đã thẩm định bức tranh "La Bella Principessa", được danh họa đa tài Da Vinci vẽ vào cuối thế kỷ 15, trước khi cho ra đời kiệt tác "Mona Lisa" và tuyên bố giải mã được cách thức để tác giả tạo ra nụ cười bí ẩn.
Nghiên cứu cho thấy trong bức tranh "La Bella Principessa", Da Vinci đã sử dụng thủ thuật vô cùng thông minh để chinh phục người xem, bằng cách pha trộn màu sắc, khiến khuôn miệng của người mẫu thay đổi theo các góc nhìn khác nhau.
Cụ thể, khi nhìn trực diện, miệng của nhân vật trong tranh hơi trễ xuống, nhưng khi nhìn từ góc khác, người ta lại thấy khuôn miệng hơi nhếch lên, tạo nên một nụ cười rất giống với bức Mona Lisa. Theo các nhà nghiên cứu, kỹ thuật này được gọi là vẽ sắc thái mờ hòa vào nhau và được sử dụng trong cả bức tranh "Mona Lisa" cũng như trong bức tranh "La Bella Principessa".
Lisa Gherardini, nữ quý tộc ở Florence (Italy), vẫn được coi là người mẫu trong kiệt tác "Mona Lisa" của Da Vinci. Bà ngồi mẫu để danh họa vẽ bức tranh này vào khoảng năm 1503-1506. Tuy nhiên, cho đến nay thế giới vẫn chưa biết nhiều về cuộc đời của Gherardini, ngoài thông tin bà sinh ra ở Florence và kết hôn ở tuổi vị thành niên với Francesco Del Giocondo, một nhà buôn lụa.
Trong khi đó, bức tranh "La Bella Principessa" được cho là mô tả bé gái Bianca Sforza, 13 tuổi, con gái của Ludovico Sforza, công tước Milan. Cô gái này đã kết hôn với viên chỉ huy đội quân của cha đẻ và qua đời chỉ vài tháng sau khi kết hôn.