Tại Diễn đàn, các đại biểu, chuyên gia đến từ Việt Nam và Hàn Quốc tập trung thảo luận các vấn đề về bản quyền trên môi trường số, xu hướng chính sách bản quyền trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, trách nhiệm và nghĩa vụ phối hợp của đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian đối với hành vi vi phạm quyền tác giả trên môi trường số và đề ra các giải pháp, phương án hợp tác song phương.
Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), không gian số phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức trong việc sáng tạo cũng như đưa ra nhiều tác phẩm tới công chúng; qua đó, việc truyền bá cũng nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, từ những thuận lợi đó cũng đặt ra những thách thức lớn trong vấn đề bảo vệ bản quyền. Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, cần có các biện pháp công nghệ, để có thể theo dõi, truy dấu, đồng thời khai thác, sử dụng, minh bạch hóa, rõ ràng hơn trong vấn đề khai thác sử dụng bản quyền.
Liên quan đến việc xử lý vấn đề bản quyền trên nền tảng số, ông Park Jung Youl, Chủ tịch Cơ quan bảo vệ bản quyền Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc có phần mềm tự động để tìm kiếm, phát hiện các ứng dụng nghe lén trên toàn cầu, sau đó thực hiện các biện pháp yêu cầu đính chính, hiệu chỉnh. Trong năm nay, đơn vị mong muốn kết hợp với các nước, trong đó có Việt Nam để chuyển giao kỹ thuật này nhằm tăng cường giám sát, bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm.
Về bảo vệ quyền âm nhạc, ông Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết, tình trạng xâm phạm quyền tác giả âm nhạc nói riêng và quyền tác giả nói chung trên môi trường số ngày càng phức tạp và đa dạng. Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc bảo bộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc trong môi trường số và tăng cường tham gia các điều ước quốc tế trong lĩnh vực này. Ngoài ra, các chủ thể quyền cũng cần chủ động tìm biện pháp, rà soát, phát hiện vi phạm... để thực hiện quyền tự bảo vệ theo quy định pháp luật. Trong đó, có thể áp dụng các giải pháp công nghệ đã có sẵn của các nền tảng như Content ID của YouTube, Rights Manager của Facebook... áp dụng hoặc phát triển các nền tảng khác để tracking (truy dấu) hành vi xâm phạm...
Tương tự, ông Park Soo Ho, Chủ tịch Hiệp hội Bản quyền âm nhạc Hàn Quốc (KOMCA) cho rằng, cần tăng cường các phương án hợp tác song phương để phát triển bản quyền như tăng cường trao đổi thông tin bản quyền giữa các nước, theo dõi các tác phẩm bản quyền ở nước ngoài. Cụ thể, các đơn vị cần trích xuất thông tin về các công việc quan trọng trong nước và gửi đến tổ quản lý chung. Trong trường hợp lượng sưu tầm thấp hơn lượng sử dụng nước ngoài, cần xác định nguyên nhân và định kỳ trao đổi thông tin về các tác phẩm có bản quyền; giám sát các buổi biểu diễn ở nước ngoài và các chuyến lưu diễn trên thế giới; kiểm tra các tác phẩm trong nước nằm trên bảng xếp hạng hàng đầu ở các khu vực lớn ở nước ngoài và tìm hiểu độ phổ biến cũng như cách sử dụng ở địa phương.