Hiện hữu những khó khăn
Khu phố cổ Hà Nội hiện là nơi có mật độ dân cư cao nhất thành phố. Mật độ dân số tĩnh là 800 - 1.200 người/ha, diện tích sử dụng đất trung bình là 4 - 6 m2/người, có phường chỉ đạt 2 m2/người. Đó là chưa tính đến mật độ cư trú của lượng dân cư lao động, buôn bán, hàng rong, khách du lịch... Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã cho biết khi đề cập đến những khó khăn trong công tác bảo tồn phố cổ Hà Nội.
Nhiều người không xa lạ với cảnh một số nhà trong phố cổ có tới 50 - 60 hộ dân, thậm chí tới cả trăm hộ dân sinh sống. Dân số đông dần lên nhưng phố cổ không thể rộng ra nên mặc dù không ít ngôi nhà đang xuống cấp trầm trọng nhưng việc di dời để tu bổ là rất khó khăn. Quanh các di tích đền, chùa, người dân cũng tận dụng xây nhà ở, sinh sống từ thế hệ này sang thế hệ khác...
Thuộc khu phố cổ, dân cư phố Hàng Lược cũng ngày một ken cứng. Ảnh: Quang Hải/TTXVN |
Cũng vì mật độ dân số đông nên trong quá trình phát triển, tốc độ xây dựng trong khu phố cổ diễn ra nhanh, làm thay đổi kiến trúc nhà ở và cảnh quan chung. Các ngôi nhà xây dựng theo lối truyền thống dần mất đi mà thay vào đó là các kiến trúc hiện đại.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, ngày một nhiều công trình thương mại xây cất mới có quy mô và hình thức kiến trúc làm hỏng không gian phố cổ. Điển hình như một số khách sạn ở phố Gia Ngư, Hàng Bè, Hàng Gai mà các cơ quan chức năng không quản lý nổi. Trong khu vực bảo tồn cấp 1 thì mật độ dân số quá cao, đang dần ken cứng theo xu thế đặc dần; thiếu những khoảng trống cần thiết. Cũng vì thế, không gian dành cho các hoạt động văn hóa ngoài trời và trong nhà vừa thiếu, vừa nhỏ hẹp, hạn chế khi muốn biểu diễn tập trung đông người.
Một vấn đề khác, các ngành nghề truyền thống, phong tục, tập quán của khu phố cổ Hà Nội có nhiều thay đổi mà điều nhìn thấy rõ nhất là sự biến mất của các phố nghề. Những tên phố nổi danh với các mặt hàng truyền thống được sản xuất và kinh doanh tại đây cũng không còn.
Gìn giữ vốn quý cho muôn đời sau
Từ khi phố cổ Hà Nội được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, thành phố Hà Nội cũng như quận Hoàn Kiếm thực hiện nhiều giải pháp bảo tồn, tôn tạo di sản phố cổ. Quận đã và đang thực hiện giãn dân phố cổ, giảm sức ép cho di sản; bảo tồn, trùng tu, tôn tạo nhiều di tích; khôi phục, phát huy các lễ hội truyền thống; tổ chức các tuyến phố đi bộ vào cuối tuần; tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống...
Tuy vậy, để bảo tồn, phát huy các giá trị quý của di sản phố cổ Hà Nội, quận Hoàn Kiếm vẫn cần nhiều việc phải làm. Trước hết là việc giữ gìn không gian phố cổ - một yếu tố được coi là “linh hồn” của di sản. Kiến trúc sư Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội nhận định: Khi đã quyết tâm gìn giữ khu phố cổ thì việc chấp hành các quy định về sửa chữa, xây dựng phải thật nghiêm túc, thường xuyên kiểm tra, giám sát. Các cơ quan chức năng không nhân nhượng với những vi phạm, nhất là đối với chiều cao các ngôi nhà mặt phố. Đồng thời, không xây dựng công trình có quy mô lớn và không tập trung dòng phương tiện đi lại với số lượng lớn”.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, cơ quan quản lý cần tôn tạo hình ảnh và không gian khu phố cổ nói chung bằng cách nghiên cứu, lựa chọn vị trí một nhóm nhà để tái tạo hình ảnh nhà ống dạng “mái ngói thâm nâu” nhằm quảng bá đặc trưng về kiến trúc khu phố cổ. Một mặt, xây dựng hồ sơ để làm cơ sở quản lý cũng như chỉnh trang các tuyến phố, tập trung từ Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục - Hàng Đào đến Hàng Giấy - Tháp nước Hàng Đậu thành trục trung tâm của phố cổ.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Tô Thị Toàn, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban quản lý phố cổ Hà Nội cũng đề xuất: Thành phố và quận Hoàn Kiếm cần có chính sách cụ thể, thiết thực đối với nhân dân khu phố cổ, tạo điều kiện để người dân tự nguyện tham gia công tác bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống khu phố cổ Hà Nội. Các cơ quan chức năng cũng tuyên truyền, thuyết phục người dân khu phố cổ Hà Nội nhận thức giá trị văn hóa truyền thống khu phố cổ là di sản quý của chính họ, từ đó họ cần phải giữ gìn, bảo tồn và phát huy.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, những giá trị còn lại của phố cổ Hà Nội hiện nay là vô giá. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản phố cổ Hà Nội không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý mà của chính những người dân sống trong phố cổ để di sản được trường tồn và bền vững.