Bảo tồn di sản, kinh nghiệm của các nước

Gìn giữ di sản sống Venice

Nhắc đến Venice, nhiều người sẽ ngay lập tức nghĩ đến một thành phố thơ mộng của Italia, nổi tiếng với hệ thống kênh chạy dọc ngang thành phố, nơi có lịch sử bắt nguồn từ thế kỉ thứ 6. Nhưng ít ai biết được thành phố di sản mộng mơ được UNESCO công nhận này cũng đang phải “vật lộn” trong những cuộc chiến không hề thơ mộng để bảo tồn những giá trị và thậm chí là “tính mạng” của nó trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên và sự thờ ơ của con người.


 

Venice “nổi” trên mặt nước.

 

Xét về mặt địa lý, không có thành phố nào trên thế giới đặc biệt tựa Venice. Thành phố này được xây dựng trên 118 hòn đảo nhỏ nổi lên trên vịnh Venice với khoảng 150 con kênh chạy qua và vòng quanh các đảo nơi có những con thuyền Vaporetti và Gondola, những thứ phương tiện di chuyển công cộng lững thững trôi quanh thành phố. Cũng chính vì vị trí địa lý như vậy, Venice nghiễm nhiên trở thành thành phố của những cây cầu với hơn 400 cây cầu kết nối các hòn đảo với nhau.


Nhưng vị trí xây dựng cũng là lí do khiến Venice phải đối mặt với mối thủy họa vẫn đe dọa nhấn chìm thành phố này trong biển nước và cũng là nỗi đau đầu của chính quyền trong việc bảo tồn di sản vô giá này. Từ giữa thế kỉ 20, cư dân của thành phố bắt đầu ý thức đến việc Venice dường như đang bị chìm xuống lòng biển. Ở Venice việc thủy triều đến mang theo nước nhấn chìm các con đường và rút đi chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ sau đó đã trở nên quá quen thuộc. Nước mặt ở vùng vịnh tràn vào mọi ngóc ngách của những con kênh và xâm chiếm nốt cả phần đường dành cho người đi bộ. Người Venice gọi đó là “acqua alta” - tức mực nước cao hơn mực nước bình thường, cao hơn khoảng 80 cm so với mực nước biển. Đây đồng thời cũng là mức nền thấp nhất ở phần lớn Venice. “Acqua alta” có thể xảy ra phần lớn vào những tháng mùa đông đặc biệt là từ tháng 11 tới tháng 3 nhưng gần đây thời gian xảy ra hiện tượng này trở nên không xác định và mực nước cũng dâng cao hơn nhiều so với trước đây.


Để đối phó với tình trạng này, Venice đã tính đến rất nhiều phương án, trong đó có dự án MOSE. Đây là một dự án công cộng trên quy mô lớn hiện đang được xây dựng trên ba cửa vịnh chính để “phân cách” biển Adriatic và vịnh Venice nhờ những cánh cửa khí ngăn lũ. Bình thường, những cánh cửa này nằm phía dưới nhưng những lúc dự báo có “acqua alta”, chúng sẽ được bơm đầy khí cho đến khi nổi lên khỏi mặt nước, ngăn nước biển tràn vào vịnh. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại phương pháp này có thể gây tác động đến hệ sinh thái mỏng manh của vịnh Venice bởi việc làm sụt giảm lượng nước biển trao đổi vào trong. Một số khác lại cho rằng hệ thống này đang hạn chế đường thoát nước, khiến cho triều cường càng khó thoát khỏi vịnh Venice.


Cuộc sống ở Venice gắn với những con thuyền.

 

Không những chỉ phải đối mặt với nguy cơ nước biển dâng lên, dưới tác động của biến đổi khí hậu, Venice còn phải đương đầu với những mối nguy cơ đến từ con người. Mặc dù may mắn sống sót qua sự hủy diệt của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai nhưng chính sự thờ ơ của con người lại vẫn đang âm thầm giết chết Venice. Nhiều công trình lịch sử, nhà bảo tàng… có giá trị đã và đang bị mai một. Và cuộc chiến chống lại sự thờ ơ đó vẫn đang tiếp tục diễn ra. Năm 2011, nhiều người dân của Venice đã đổ xuống đường đấu tranh để giữ lại một trong những địa điểm được yêu thích nhất tại thành phố xinh đẹp này: Khu chợ cá ở chân cầu Rialto, nơi người địa phương đã mua bán thực phẩm trong hơn một thiên niên kỉ.


Khu chợ cá này bị đe dọa bởi thành phố có kế hoạch mở rộng khu vực neo đậu, bốc dỡ hàng hóa từ lớp lớp những con tàu đông nghịt. Nếu kế hoạch được thông qua, những người buôn bán ở chợ Rialto sẽ phải rời bỏ Venice chuyển vào đất liền. Ngay lập tức, kế hoạch này đã vấp phải làn sóng phản ứng dữ dội của cư dân bởi với họ, đó không khác gì một “bản án tử hình” được tuyên cho khu chợ cá có bề dày lịch sử.


Hơn thế nữa, đây không đơn giản chỉ là một khu chợ cá. Tổ tiên của họ đã buôn bán ở đây, cuộc sống của họ diễn ra ở đây. Khu chợ cá không chỉ là kế mưu sinh mà còn đóng một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Bất bình trước việc này, trưởng một nhóm biểu tình Matteo Secchi cho rằng phải đánh đổi khu chợ cá “cho cái gì chứ? Thêm 300 m để cho các con tàu lớn đỗ ư? Đó là còn chưa kể chúng gây ra nhiều thiệt hại khác…”. Làn sóng phản đối mạnh mẽ đến nỗi thị trưởng Giorgio Orson đã buộc phải quay ngoắt 180%, tuyên bố tại một cuộc họp báo “khu chợ cá tại Tronchetto sẽ không bị chuyển đi”.


Với hàng triệu du khách đến Venice mỗi năm, chiến thắng này có thể không có nhiều ý nghĩa. Nhưng với cư dân của Venice, đây là một chiến thắng khó có thể diễn tả thành lời khi người dân học cách cùng nhau đoàn kết để bảo vệ thành phố này. Bà Scibilia, 44 tuổi, cư dân của Venice nói: “Chúng tôi đã cùng nhau chống lại mọi sự lựa chọn được đưa ra mà không nghĩ đến quyền lợi của người Venice đầu tiên”.


Anh Minh

Quy hoạch làng cổ Đường Lâm được đồng thuận cao
Quy hoạch làng cổ Đường Lâm được đồng thuận cao

Chiều 10/7, người dân làng cổ Đường Lâm đã được tận mắt nhìn thấy đồ án quy hoạch bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ. Sau khi nghe đại diện Viện bảo tồn di tích thuyết trình và giải đáp, đa phần cán bộ và nhân dân làng cổ Đường Lâm đều bày tỏ nhất trí với quy hoạch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN