Đưa nghệ thuật múa rối nước vào trình diễn tại lễ hội là một trong những cách làm được Hải Dương triển khai trong những năm gần đây góp phần bảo tồn, gìn giữ giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này.
Mỗi chương trình, các nghệ nhân phường rối nước Hồng Phong (huyện Ninh Giang) biểu diễn 12 tiết mục. Các tiết mục phản ánh đời sống sinh hoạt, tập quán canh tác của người dân vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, như các tích trò: chọi trâu, câu ếch, sản xuất nông nghiệp, cáo bắt vịt... thu hút rất đông khán giả thưởng thức.
Nghệ nhân Phạm Văn Tòng, Trưởng phường rối nước Hồng Phong cho biết, để đảm bảo chất lượng cho chương trình biểu diễn, đoàn nghệ nhân đã có mặt trước đó một ngày để chuẩn bị sân khấu, lắp đặt thủy đình. Đoàn gồm 16 người, trong đó có 6 nhạc công, 8 diễn viên. Người cao tuổi nhất đã ngoài 80 tuổi, trẻ nhất là 54 tuổi nhưng vì say nghề nên khi có lời mời của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ai cũng vui vẻ, hào hứng tham gia biểu diễn tại Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Với các nghệ nhân, được trình diễn cho người dân, du khách xem là một niềm vui, niềm tự hào trong cuộc đời gắn bó với bộ môn nghệ thuật múa rối nước. Dù ngâm mình trong nước dưới cái nắng hàng giờ, nhưng các nghệ nhân vui vì được giới thiệu, quảng bá tới du khách gần xa, có nhiều du khách nước ngoài một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc; vui vì mang lại tiếng cười cho khán giả, thấy người xem chen nhau đứng ngồi xung quanh thủy đình chăm chú theo dõi và dành những tràng pháo tay giòn giã để khích lệ, động viên.
Theo Phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Dương, việc đưa nghệ thuật múa rối nước vào chương trình lễ hội đã bắt đầu được triển khai từ năm 2006, gắn với thực hiện Đề án nâng cấp Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc. Từ đó đến nay, đây là một trong những món ăn tinh thần không thể thiếu với du khách về Di tích Kiếp Bạc dự Lễ hội mùa Thu hàng năm. Thông qua lễ hội, giá trị di sản văn hóa này được lưu giữ, bảo tồn và nhiều địa phương biết đến.
Cùng với phường rối nước Hồng Phong, hiện, tỉnh Hải Dương còn 2 phường rối nước khác đang được bảo tồn, phát triển là phường rối nước Lê Lợi, huyện Gia Lộc và phường rối nước Thanh Hải, huyện Thanh Hà. Luân phiên các mùa lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mời các phường rối nước tham gia biểu diễn. Để khích lệ các nghệ nhân, Sở đã hỗ trợ kinh phí di chuyển, ăn nghỉ, tập luyện, biểu diễn của các nghệ nhân và kinh phí lắp đặt trang thiết bị.
Những dịp khác trong năm, các phường rối nước ở Hải Dương cũng chủ động kết nối và được nhận nhiều lời mời lưu diễn trong và ngoài tỉnh, thậm chí đi biểu diễn ở nước ngoài. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán, các phường rối nước thường được Bảo tàng Dân tộc học mời biểu diễn phục vụ nhân dân, du khách. Phường rối nước Hồng Phong đã được nhiều doanh nghiệp lữ hành hợp tác đưa vào các tour tuyến du lịch để phục vụ các đoàn khách du lịch khi về với Hải Dương, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế. Từ đây, rối nước Hải Dương ngày càng khẳng định được tên tuổi trong và ngoài nước.
Năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ các phường rối nước dàn dựng tiết mục mới và tạo tác các con rối. Tuy nhiên, về lâu dài, việc bảo tồn nghệ thuật múa rối nước gặp rất nhiều khó khăn, đa số nghệ nhân hiện nay tuổi đã cao, có người đã mất hoặc sức khỏe kém trong khi người trẻ không hào hứng tiếp cận. Đây cũng là băn khoăn của các nghệ nhân.
Theo ông Phạm Văn Tòng, Trưởng phường rối nước Ninh Giang, múa rối nước đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nên để nghệ thuật múa rối nước bảo tồn, phát triển, rất mong Nhà nước quan tâm hơn. Thực tế, những nghệ nhân cao tuổi vì yêu nghề và muốn giữ lửa múa rối nước cho quê hương nên vẫn gắn bó nhưng lớp trẻ không mặn mà. Do đó, ngoài việc tổ chức liên hoan, hội diễn múa rối nước, cũng cần có nhiều biện pháp thu hút, đào tạo lớp trẻ đến với môn nghệ thuật này.