Công trình dịch thuật này có tiêu đề "Văn học Việt Nam" do các dịch giả trẻ tuổi của bộ môn tiếng Việt thuộc Viện Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Kyiv mang tên Taras Shevchenko thực hiện. Đây là cuốn sách dịch đầu tiên các tác phẩm văn học của Việt Nam ra tiếng Ucraina.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại khu vực, tham gia buổi lễ có Đại sứ Nguyễn Anh Tuấn và các cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam; Giáo sư Bekh Petro Oleksiyovych, Phó Giám đốc Đại học Tổng hợp Kyiv mang tên Taras Shevchenko; Giáo sư Asadchyh Oksana Valylivna, quyền Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn học các nước Viễn Đông và Đông Nam Á và GS Liudnmyla Grygorivan, Phó Viện trưởng Viện Ngữ văn; đại diện Hội hữu nghị Ucraina-Việt Nam và đông đảo giảng viên và sinh viên của trường Taras Shevchenko. Đặc biệt, tham dự buổi lễ còn có đoàn Hội hữu nghị Việt Nam-Ucraina do đồng chí Đặng Văn Chiến, Chủ tịch Hội làm trưởng đoàn. Đây là 19 nhà khoa học Việt Nam từng học tập tại Đại học Taras Shevchenko và các trường đại học khác của Ucraina trong giai đoạn 1960-1980 của thế kỷ trước.
Phát biểu tại buổi giới thiệu sách, Đại sứ Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh việc cuốn sách văn học Việt Nam bằng tiếng Ucraina ra mắt có ý nghĩa to lớn về văn hóa, kinh tế và chính trị. Đó là khung cửa mở rộng vào thế giới phong phú của ngôn ngữ Việt Nam, tâm hồn của người Việt Nam, vào lịch sử dựng nước và giữ nước cùng các phong tục tập quán cả nghìn năm qua của dân tộc Việt Nam. Nhân dịp này, Đại sứ cảm ơn lãnh đạo và giáo viên trường Đại học Tổng hợp Kyiv mang tên Taras Shevchenko, trong đó có các thầy cô giáo của bộ môn tiếng Việt thuộc Viện Ngữ Văn, đặc biệt cảm ơn các dịch giả Ucraina trẻ tuổi - những nhà Việt Nam học tương lai đang đóng góp một phần không nhỏ vào việc vun đắp mối quan hệ truyền thống, thuỷ chung sắt son giữa Ucraina-Việt Nam.
Về phía Đại học Taras Shevchenko, Phó Giám đốc Bekh Petro, đánh giá cao sự ủng hộ của ĐSQ Việt Nam đối với sự phát triển của Viện Ngữ văn cũng như của bộ môn tiếng Việt. Ông cho biết bản thân tuy chưa đến Việt Nam nhưng ông luôn cảm thấy rất gần gũi với đất nước Việt Nam, hiểu rõ tâm lý, lối sống và cả các món ăn của người Việt. Ông Bekh Petro bày tỏ vui mừng trước việc xuất bản cuốn sách dịch văn học và coi đây là một bước quan trọng để thúc đẩy hợp tác văn hóa giữa hai nước; đồng thời đề nghị phía Việt Nam nghiên cứu khả năng dựng tượng của một nhà thơ, nhà văn Việt Nam tại vườn Bách thảo của trường nhằm tăng cường hiểu biết của sinh viên đối với lịch sử văn học Việt Nam.
Giáo sư Asadchyh Oksana, quyền Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn học các nước Viễn Đông và Đông Nam Á và Giáo sư Liudnmyla Grygorivan, Phó Viện trưởng Viện Ngữ văn cảm ơn sự ủng hộ của Đại sứ quán đối với việc hợp tác giáo dục và phát triển trao đổi ngôn ngữ giữa hai nước. Thay mặt Khoa, bà Liudnmyla Grygorivan giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của khoa tiếng Việt, về kết quả đã đào tạo được 26 cử nhân và 10 thạc sỹ chuyên ngành tiếng Việt. Bà Asadchyh Oksana đề nghị Đại sứ quán có hình thức ủng hộ để sinh viên Ucraina có thể dành được nhiều suất học bổng tiếng Việt hơn trong thời gian tới.
Tiếp theo Phó Giáo sư Hoàng Tuấn Vũ và cô Victoria Musiychuk, những giáo viên của Bộ môn tiếng Việt đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để hiệu đính bản dịch, trình bày khái quát quá trình dịch các tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Ucraina. Cuối cùng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Ucraina Đặng Văn Chiến thay mặt đoàn bày tỏ sự xúc động được dự buổi ra mắt cuốn sách này, coi đây là bước phát triển đáng ghi nhận trong quan hệ Việt Nam - Ucraina, đồng thời với tư cách là cựu sinh viên của Trường ông cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Đại học Tổng hợp quốc gia Taras Shevchenko và công lao của các thế hệ thày cô giáo của nhà trường.