Giữ gìn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi độ xuân về, khi hoa đào thắm sắc, các làng quan họ vùng Kinh Bắc lại dập dìu lời hát giao duyên thắm đượm tình người. Bắc Ninh, nơi sản sinh ra nhiều di sản văn hóa và kiệt tác nghệ thuật mà đỉnh cao là dân ca quan họ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đang gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống quí báu của ông cha.

Thời gian vừa qua, Bắc Ninh đã có nhiều biện pháp thiết thực nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của dân ca quan họ. Tới thăm các làng quan họ trên địa bàn thành phố Bắc Ninh những ngày này, chúng ta dễ bắt gặp những hình ảnh bà con tập trung ở sân đình, hay nhà riêng trải chiếu hoa ngồi hát quan họ rất say mê. Khán giả rất đông, mà đa phần là khán giả nhí.

Một canh hát quan họ đối đáp trong hội thi hát dân ca quan họ toàn tỉnh Bắc Ninh năm 2011. Ảnh: Thu Phương


Hình ảnh chúng tôi bắt gặp các liền anh, liền chị làng quan họ Hữu Chấp, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh say mê luyện tập chuẩn bị cho ngày khai hội thi hát dân ca quan họ toàn tỉnh 2011 đã chứng minh điều đó.


Vì câu lạc bộ quan họ của làng năm nay mới thành lập nên họ phải nhờ anh hai Văn Hiển làng bạn sang hướng dẫn cách hát, cách chơi quan họ. Người biết thì hướng dẫn cho người chưa biết, người đi trước truyền dạy cho người đi sau. Cứ thế các làn điệu dân ca quan họ cứ lan tỏa từ người này sang người khác, từ nơi này đến nơi kia.

Anh Đặng Văn Hiển, làng quan họ Dương Xá, thành phố Bắc Ninh, cho biết: “Trong quan họ không nói đến công, công của người quan họ rất quan trọng, đó là cái công nhiệt tình truyền dạy nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa quan họ là chính. Tính toán làm chi, tính toán làm gì, vì chỉ có cái tình thì mới đến với nhau”. Theo nhiều liền anh, liền chị các làng quan họ, việc luyện tập, truyền dạy dân ca quan họ Bắc Ninh tới những người yêu thích rất mất thời gian. Bà Nguyễn Thị Mỹ, Chủ nhiệm CLB quan họ làng Hữu Chấp, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh cho biết: Bây giờ là đầu năm mới, nhiều doanh nghiệp thiếu lao động, người ta có thể đi làm với giá ngày công lên tới 100.000 - 200.000 đồng, nhưng với tình yêu và lòng nhiệt tình đến với dân ca quan họ mà họ ở nhà truyền dạy hát quan họ cho các cháu và những người “say” quan họ.

Nhạc sỹ Đức Miêng - Phó giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Bắc Ninh cho biết: Giai điệu và âm hưởng của dân ca quan họ Bắc Ninh như thấm đẫm trong nhiều nhạc phẩm của các nhạc sỹ đương đại. Nhiều người con xa quê hương, khi được nghe dân ca quan họ lại nhớ về Bắc Ninh. Nhằm phổ biến vốn di sản đến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, thời gian qua, Trung tâm văn hóa tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao các huyện, thị, thành phố mở các lớp dạy hát quan họ thu hút hàng trăm học viên tham gia.

Mặc dù thời gian truyền dạy ngắn, nhiều người từ chỗ chưa biết hát dân ca quan họ đã biết hát và hát hay. Nhiều em từ lúc chưa hiểu đến hiểu nhiều hơn và thật sự trân trọng vốn di sản của quê hương. Nhiều giáo viên giảng dạy nhạc - họa ở các trường phổ thông đã yêu thích dân ca quan họ từ trong nhà trường. Đặc biệt, những chương trình truyền dạy hát dân ca quan họ trên Đài Phát thanh truyền hình Bắc Ninh đã góp phần phát triển phong trào ca hát quan họ cả chiều rộng lẫn chiều sâu.


Cũng với mục đích bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca quan họ Bắc Ninh ở góc cạnh chiều sâu, những canh hát quan họ truyền thống diễn ra buổi tối tại đình làng và các CLB càng khẳng định vai trò của cộng đồng trong việc gìn giữ vốn cổ. Nghệ nhân Nguyễn Tuấn Hợp - CLB văn hóa quan họ Đào Xá, huyện Tiên Du cho biết: “Quan họ có quá trình phát triển liên tục, chính vì thế nó cũng có sự đào thải và thích nghi nhưng dù có phát triển đến đâu cũng phải giữ lấy cái gốc”.

Hàng năm, tỉnh Bắc Ninh luôn tổ chức Hội thi hát quan họ toàn tỉnh vào mỗi dịp sau Tết Nguyên đán. Việc tổ chức thường niên hội thi hát dân ca quan họ là một trong những hoạt động thể hiện cam kết của tỉnh Bắc Ninh với UNESCO trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân ca quan họ.


Ông Nguyễn Đăng Túc - Giám đốc Sở VH,TT&DL Bắc Ninh cho biết: Từ khi dân ca quan họ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, UBND tỉnh Bắc Ninh đã công nhận đợt một cho 40 nghệ nhân là những người nắm giữ những bài bản, giọng điệu của dân ca quan họ gốc để truyền dạy trong cộng đồng. Bên cạnh đó các địa phương còn đưa dân ca quan họ vào truyền dạy trong các trường học và sẽ triển khai sớm nhất trong thời gian tới.

Qua hội thi hát dân ca quan họ đầu xuân 2011 tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc vào hai ngày 12 và 13/2 vừa qua thu hút trên 500 người tham gia, trong đó ở nội  dung hát đối đáp có 15 cặp liền anh, liền chị của các CLB quan họ TP Bắc binh và huyện Tiên Du thể hiện đúng trình tự, nội dung chuẩn mực.

Theo Ban giám khảo, do được chuẩn bị kỹ càng cùng với những ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà chuyên môn nên các liền anh, liền chị đến với hội thi năm nay đã thể hiện đầy đủ và đúng 5 giọng lề lối cơ bản là La rằng, Tình tang, Đường bạn, Cây gạo, Cái ả, sau đó đến các giọng lẻ, giọng vặt và giã bạn.

Một canh hát quan họ đối đáp không nhạc đệm, nhưng những câu hát của những người nông dân quanh năm gắn với đồng ruộng vẫn làm say đắm lòng người. Có lẽ vì thế mà dân ca quan họ đã sống và đang sống trong dòng chảy của văn hóa dân tộc.


Sự thành công của Hội thi hát quan họ toàn tỉnh Bắc Ninh 2011 càng khẳng định: Cộng đồng đã và đang ý thức rất rõ việc bảo tồn dân ca quan họ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đang được nuôi dưỡng từ chính cái nôi đã sinh ra nó. Tất nhiên, cùng với cộng đồng, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có định hướng chiến lược để dân ca quan họ Bắc Ninh mãi trường tồn và lan tỏa.

Nguyễn Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN