Trước những lo ngại của Ủy ban Di sản thế giới (thuộc UNESCO) về việc dân số ở các làng chài trong vùng lõi vịnh Hạ Long phát triển quá nhanh, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo tồn cũng như bảo đảm vệ sinh môi trường trong vùng di sản, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện Dự án di dời làng chài trên vịnh Hạ Long lên bờ sống trong khu tái định cư, nhưng vẫn gìn giữ được nét đẹp và giá trị trong văn hóa làng chài Hạ Long.
Những đứa trẻ ở làng chài Cửa Vạn giờ đã có nhà và được đến trường như bao trẻ em khác. |
Trên vùng vịnh Hạ Long có nhiều làng chài sinh sống, trong đó có những làng chài đã từng được các trang web du lịch trên thế giới bầu chọn là một trong những ngôi làng đẹp nhất thế giới, như làng chài Cửa Vạn thuộc xã Hùng Thắng (thành phố Hạ Long). Những làng chài này gắn bó với lịch sử nền văn hóa của vịnh Hạ Long, và trở thành một tế bào không thể tách rời của vịnh. Tham quan làng chài cũng trở thành một trong những tuyến du lịch trên vịnh Hạ Long, được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích, đặc biệt là với các hoạt động ra khơi câu mực đêm, hoặc nghỉ đêm tại các gia đình ngư dân nghe những câu hò biển và thưởng thức đặc sản từ biển...
Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 33 (năm 2009) và 35 (năm 2011), Ủy ban Di sản thế giới (thuộc UNESCO) đã đưa ra các khuyến nghị liên quan đến tình trạng bảo tồn tính toàn vẹn của vịnh Hạ Long; trong đó, bày tỏ sự lo ngại về việc dân số ở các làng chài trong vùng lõi vịnh phát triển quá nhanh, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo tồn, cũng như bảo đảm vệ sinh môi trường trong vùng di sản.
Bà Phạm Thùy Dương, Trưởng Ban quản lý (BQL) vịnh Hạ Long cho biết, từ những khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới, BQL vịnh Hạ Long đã tham mưu để tỉnh Quảng Ninh xây dựng quy hoạch các làng chài trên vịnh, xây dựng khu tái định cư để đưa người dân ở làng chài lên bờ để bảo vệ di sản, giữ gìn môi trường sạch và an toàn, đồng thời để cải tạo điều kiện sinh sống, học tập cho cư dân làng chài. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã dành một khu đất lớn tại phường Hà Phong, đầu tư kinh phí xây dựng trên 300 căn hộ tái định cư, diện tích từ 78 - 128 m2/căn, vệ sinh khép kín, điện, nước đầy đủ. Hệ thống đường giao thông, vỉa hè, cấp thoát nước, điện, cây xanh công cộng... cũng được đảm bảo. Mỗi căn hộ trị giá khoảng 400 triệu đồng, được cấp sổ đỏ và giao cho những hộ gia đình đang sinh sống trên các làng chài. Từ những người lênh đênh trên biển, không có nhà ở, nay những cư dân làng chài đã đất, có nhà để ở, con cái được đến trường, được tiếp cận với các dịch vụ y tế...
Theo bà Phạm Thùy Dương, trước khi dự án được thực hiện, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ quan ngại đối với việc di dời nhà bè trên vịnh, vì đó là nét văn hóa trong vùng lõi, giờ nếu di toàn bộ dân lên trên bờ thì còn gì là văn hóa nếu không gắn với người dân? Tuy nhiên, giải pháp mà Quảng Ninh đưa ra đã thuyết phục được các chuyên gia. Theo dự án, những người dân làng chài được đưa lên bờ, sống trong làng chài tái định cư, nhưng toàn bộ hoạt động chài lưới, đánh bắt hải sản trên ngư trường vẫn được duy trì. BQL vịnh Hạ Long sẽ bảo tồn, giữ lại những gì nguyên sơ của nhà bè trên vịnh, mô hình làng chài, những sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể vẫn được gìn giữ và giới thiệu với du khách. Các hoạt động dịch vụ du lịch, kết nối sản phẩm văn hóa, du lịch của làng chài đối với du khách vẫn tiếp tục phát triển và vẫn do những người dân làng chài đảm nhiệm. Phương án này, vừa giải quyết được việc phát triển dân số một cách cơ học trên thuyền, vừa bảo đảm gìn giữ được nét đẹp và giá trị trong văn hóa làng chài ở Hạ Long từ xưa. Và Dự án di dời làng chài trên vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh đã được chuyên gia di sản của UNESCO đánh giá là dự án tốt nhất trong các dự án di dời làng chài tại các di sản khác trên thế giới.
Phương Hà