Buổi trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Hồng Văn tại nhà riêng của ông ở phố Trung Thư, quận Hải An, Hải Phòng bắt đầu thân thiện, tự nhiên như vậy. Ông khiến cho người đối diện đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Nhà thơ Nguyễn Hồng Văn nhận bằng xác nhận cuốn “Đố - giải câu đố bằng thơ về lịch sử” có số lượng phát hành nhiều nhất (70.500 bản).Ảnh:Nhân vật cung cấp |
Tập thơ ngắn nhất, hiệu quả nhấtNhiều người, đặc biệt các cháu thiếu nhi đã biết đến tập thơ “Đố - giải câu đố bằng thơ về lịch sử”- tập thơ vừa được xác lập kỷ lục Việt Nam về tập sách lịch sử Việt Nam ngắn nhất, hiệu quả cao nhất. Toàn bộ nội dung hơn 4000 năm lịch sử đất nước “Con Lạc cháu Hồng” được thu gọn thành 95 cặp thơ Lục bát, mỗi cặp có 14 chữ, như vậy tổng số chữ chỉ còn là 1.330 chữ nhưng đã giới thiệu được những nét chính về lịch sử nước nhà.
Tác giả sắp xếp những câu đố giải về lịch sử thành 16 mục gồm: Thời tiền sử; Thời đại dựng nước; Thời kỳ chống Bắc thuộc; Họ Khúc, Họ Dương giành quyền tự chủ; Nhà Ngô; Nhà Đinh; Nhà Tiền Lê; Nhà Lý; Nhà Trần; Nhà Hồ; Nhà Lê Sơ; Nhà Mạc; Chúa Trịnh; Nhà Tây Sơn; Nhà Nguyễn; Thời đại Hồ Chí Minh. Khi lịch sử được “đặt lên vai” của những vần thơ lục bát gắn bó với mỗi người từ tiếng ầu ơ của bà của mẹ khi còn thơ bé, lịch sử vẫn chính xác nhưng được khoác thêm một tấm áo mới mềm mại, dễ đi vào lòng người. Từ sự tích “Quả dưa hấu”, nhà thơ Nguyễn Hồng Văn đã chuyển hóa thành những câu thơ để giới thiệu về thời tiền sử: “Con nuôi của vị Vua nào/ Bị đưa ra biển đẩy vào đảo hoang/ Chuyện còn sống với dân gian/ Giống dưa quý, bãi cát làng Nga Sơn?” (câu hỏi là: em hãy trả lời người con nuôi ấy là ai? Con nuôi của Vua Hùng nào? Câu chuyện ấy như thế nào?).
Mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi nhân vật làm rạng danh nước Việt đều được giới thiệu bằng những câu lục bát. Chẳng hạn, thời nhà Lý, tác giả đố: “Vua nào sau buổi đăng quang/ Dời Hoa Lư chuyển đô sang La Thành” hay “Vua nào với kế an dân/ Đổi chữ La Thành thành chữ Thăng Long” (câu hỏi là: em hãy cho biết tên vị vua này). Đến thời đại Hồ Chí Minh, chỉ đọc mấy câu thơ này, ai cũng có thể đưa ra lời giải: “Xuống tàu rời bến Nhà Rồng/ Không nghề, không bạn, tay không đồng tiền/ Xin làm chân “phụ bếp viên”/Sang Tây tìm kiếm con đường cứu dân/ Chập chờn giấc mộng thâu canh/ Sao vàng năm cánh vờn quanh hiện về” (câu hỏi là: em hãy trả lời người đó là ai? Đi con tàu nào? Thời gian nào? Của nước nào?); “Vị Tướng nào của nước ta/ Xuất thân từ gốc cây đa Tân Trào/ Đánh Tây, Mỹ cút ngụy nhào/ Công danh ông được khắc vào lòng dân” (câu hỏi là: em hãy trả lời vị Tướng đó là ai? Quê ông ở đâu? Ông chỉ huy quân đội như thế nào? Từng làm những công việc gì?”.
Tấm lòng yêu trẻ“Gói ghém” lịch sử đất nước qua 1.330 chữ là công sức lao động miệt mài của nhà thơ Nguyễn Hồng Văn. Tâm tư để những dòng thơ ra đời bắt đầu từ năm 2012, sau khi nhà thơ xem bản tin thời sự và thấy nhiều học sinh đạt điểm rất thấp đối với môn Lịch sử. Tại sao vậy? Ở khía cạnh nhất định, học Sử đơn giản hơn học văn. Muốn giỏi văn phải biết cảm nhận, có sự dày dặn trong suy nghĩ, còn học sử chỉ cần nhớ mốc ngày tháng và sự kiện. Có hình thức nào để môn học này dễ nhớ, dễ thuộc, tạo sự say mê, hứng thú cho học sinh? Từ trăn trở đó, nhà thơ Nguyễn Hồng Văn bắt đầu tìm tòi và sáng tạo ra những vần thơ trên. Tập thơ là kết quả của hơn 3 năm lao động miệt mài, có không ít lần hồi hộp, lo lắng.
Nguyễn Hồng Văn viết báo, làm thơ, làm thơ cho thiếu nhi trong nhiều năm, song ông không phải là người đeo đuổi chuyên ngành Sử học. Làm thế nào để kiểm chứng những kiến thức lịch sử đã chuyển hóa thành thơ? Qua một người bạn, ông đã gặp được nhà sử học Dương Trung Quốc và hồi hộp chờ đợi nhận định, giới thiệu của vị chuyên gia đầu ngành. Đến khi nhận được những lời nhận xét của nhà sử học Dương Trung Quốc: “Cuốn sách với nội dung chỉ có năm chục câu đố cùng lời giải đáp liên quan đến một phần rất nhỏ được đúc rút từ kiến thức rộng lớn của lịch sử dân tộc ta và cũng chỉ hướng đến bạn đọc nhỏ tuổi nhưng không phải vì thế mà giá trị của nó không lớn” ông mới thở phào.
Rồi lại có nỗi lo mới. “Cơm áo không đùa với khách thơ”. In một tập sách là cả vấn đề lớn về kinh phí, về giấy phép xuất bản. Song, nhờ sự nhiệt tình của Thành đoàn Hải Phòng và sự giúp đỡ hết lòng của 2 nhà xuất bản Kim Đồng và Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam, gần 100.000 bản “Đố giải - câu đố về lịch sử Việt Nam” đã ra đời, xóa đi nỗi lo lắng của học sinh về môn Sử. Toàn bộ số tiền bán sách được tác giả và 2 nhà xuất bản tặng lại hỗ trợ trẻ em vùng sâu vùng xa.
Bước vào tuổi 82, nhà thơ Nguyễn Hồng Văn vừa giữ trong tâm hồn sự từng trải, dầy dặn của người đàn ông trải qua nhiều công việc khác nhau, từ một người lính, đến một người thợ máy, rồi một ông “tuyên giáo”, lại đa mang cả công việc phụ là “cần câu cơm” của gia đình là may đồng phục cho các đơn vị. Nhưng trong ông vẫn có nét hóm hỉnh của một người mang theo những thần thái của con trẻ. Ông kể: “Nói chuyện với trẻ không cần đao to, búa lớn, không phải gồng mình lên. Chỉ rủ rỉ, rù rì, bắt đầu bằng những chuyện xung quanh chúng. Làm thơ cho trẻ chính là cách để tâm hồn thăng bằng và để tin yêu cuộc sống này vẫn luôn lấp lánh như cách nhìn của con trẻ. Có cần bằng chứng về điều này không? Cứ nhìn cuốn “Đố - giải câu đố bằng thơ về lịch sử” được xuất bản từ 2 nhà xuất bản khác nhau nhưng được hỗ trợ toàn bộ chi phí, công sức lao động của bao nhiêu người tác thành cho bản thảo là thấy”.
Toàn bộ số tiền in sách được tặng lại cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đó là điều trẻ em mang đến cho nhà thơ Nguyễn Hồng Văn và ông mang đến cho con trẻ.