Không chỉ những người quản lý di tích và các cấp chính quyền, mà đa phần người dân sinh sống trong khu vực di tích cũng muốn di dời, bởi những bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày họ đang phải chịu đựng. Nhưng để di chuyển cả hàng nghìn hộ dân ra khỏi di tích và tôn tạo lại di tích, thành phố cần kinh phí và một quỹ nhà tái định cư rất lớn.
Gia đình bà Lê Thị Ngoãn, một trong 7 hộ dân sống trong khu vực di tích chùa Liên Phái (quận Hai Bà Trưng) đã sống ở đây 25 năm. Diện tích đất vỏn vẹn 4 m2 được xây dựng lên 3 tầng, tầng trên cơi nới được 7 m2 nhưng mỗi sàn cũng không đủ chỗ để kê giường, chỉ trải chiếu để ngủ. Thế nhưng trong ngôi nhà ấy có tới 5 người ở, đi lại tránh nhau có thể đụng vào tường. Chừng ấy năm chịu đựng, khi được hỏi về việc di chuyển, bà cho biết, không chỉ gia đình bà đồng tình mà nhiều người dân xung quanh cũng sẽ đồng tình.
Hà Nội vẫn đang tiếp tục triển khai việc di dân để trả lại không gian, cảnh quan cho các khu di tích. |
Gia đình chị Lê Thị Thanh Vi mấy chục năm qua cũng sống trong căn nhà rộng vài mét vuông ở dưới đình Trung Yên (quận Hoàn Kiếm). Chỗ phơi quần áo không có, ánh sáng trong nhà cũng thiếu, khu vệ sinh phải sử dụng chung với mấy gia đình khác. Thế nhưng ở ngõ Trung Yên dễ kiếm sống, chỉ bày một cái bàn ra góc phố bán hàng ăn cũng có thu nhập tốt. Nhà chật, hàng ngày chị Thanh Vi sang nhà mẹ đẻ cách đó mấy bước chân để bán hàng, chỉ tối về nhà nghỉ ngơi. Chị chia sẻ: “Gia đình tôi ở đấy khổ quá rồi, nhà không chỉ chật chội, hàng xóm xung quanh lại thường phát sinh mâu thuẫn từ việc sinh hoạt chung. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn được di dời khỏi đây”.
Từ khi các quận nội thành Hà Nội bắt đầu thực hiện di dời hộ dân ra khỏi di tích đến nay cũng hơn 10 năm, nhưng toàn thành phố mới triển khai được đối với 20 di tích.
Vấn đề kinh phí và quỹ nhà tái định cư là bài toán nan giải của Hà Nội. Ngân sách của thành phố dành cho phát triển văn hóa tương đối nhiều nhưng cũng không thể đáp ứng mọi nhu cầu của ngành này. Bên cạnh vốn ngân sách, nhiều nhà chùa đã huy động nguồn vốn xã hội hóa trong việc tu bổ, tôn tạo di tích, trong đó có việc di dời các hộ dân ra khỏi di tích. Đó là cách làm hiệu quả mà chùa Cầu Đông (quận Hoàn Kiếm), chùa Thọ Lão, chùa Đức Viên (quận Hai Bà Trưng) đã thực hiện.
Quỹ nhà tái định cư để di dời các hộ dân cũng là vấn đề khó khăn. Ở nhiều quận, quỹ đất, quỹ nhà còn khó hơn cả nguồn kinh phí. Bởi vậy ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng việc di dời phụ thuộc vào khả năng của từng địa phương, tùy theo ngân sách và quỹ nhà tái định cư của từng địa phương. Thành phố phải làm dần từng bước, nếu làm cùng một thời điểm sẽ không đủ khả năng để thực hiện.
Các nhà quản lý văn hóa cho rằng, cần có sự điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích đối với các di tích được xếp hạng trước khi có Luật Di sản văn hóa, để các hộ dân trong khu vực bảo vệ 2 có điều kiện phát triển. Hiện nay, theo quy định, toàn bộ các hộ dân trong khu vực 2 được xếp hạng không đủ điều kiện cấp sổ đỏ, xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Trước khi có Luật Di sản văn hóa, các di tích được xếp hạng chỉ xác định trên bản đồ, mốc giới thực địa không có và chủ trương khoanh vùng bảo vệ rộng để tạo không gian tốt cho công tác bảo tồn, nên nhiều hộ dân vô tình bị khoanh vùng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chấp thuận về mặt nguyên tắc điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thành phố đang làm thí điểm ở một số di tích huyện Phú Xuyên, Chương Mỹ, quận Hoàng Mai, điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ, đồng thời rà soát toàn bộ khu vực bảo vệ, cố gắng giữ các yếu tố gốc di tích.
Với khu vực bảo vệ 1, việc di dân ra khỏi di tích là yêu cầu bắt buộc, dù khó khăn, lâu dài, Hà Nội vẫn tiếp tục triển khai để trả lại không gian, cảnh quan cho di tích, góp phần gìn giữ những giá trị vô giá của di tích.