Rất nhiều hoạt động được triển khai nhờ sự vào cuộc của lãnh đạo cũng như nhân dân Hà Nội, để sẵn sàng cho điểm mốc 60 năm Giải phóng Thủ đô, 10/10 tới.
Hoa, đèn trang trí đã sẵn sàng
Những ngày này, các ngả đường dẫn vào trung tâm Hà Nội tràn ngập đèn, hoa, cờ, biểu ngữ, tạo một bức tranh đa sắc về một Thủ đô văn hiến, anh hùng, đang trên đà phát triển. Tại các khu vực như Lăng Bác, tượng đài Vua Lý Thái Tổ, hồ Hoàn Kiếm; hay các tuyến đường chính: Bà Triệu, Hàng Bài, Hàng Khay, Tràng Thi, phố Huế... đến các huyện, thị ngoại thành trên địa bàn thành phố; đều mang một diện mạo mới, khí thế mới.
Liên hoan múa Rồng Hà Nội lần thứ 4 - năm 2014. Ảnh: Minh Đức - TTXVN |
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thiết bị và chiếu sáng Hà Nội cho biết: Chủ đề chính của chiếu sáng năm nay là “60 năm Giải phóng Thủ đô”, nên mỗi tuyến phố đều có những hình về chủ đề này; trong đó điểm nhấn ấn tượng nhất là ở khu vực Cửa Nam với hình ảnh ngôi sao năm cánh hướng về Lăng Bác, thể hiện hình ảnh đoàn quân tiến vào giải phóng Thủ đô. Tại đường Nguyễn Văn Cừ là hình ảnh cầu Long Biên với những lính Pháp cuối cùng rút khỏi Thủ đô.
Tại khu vực Hàng Khay và Tràng Tiền được bố trí nhiều hình ảnh trang trí như hình rồng cách điệu, họa tiết trống đồng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... thể hiện sự nhân văn, yêu chuộng hòa bình của người Hà Nội, cũng như dân tộc Việt Nam. “Dù nhiều màu sắc, nhưng ánh sáng được thể hiện rất chuyên nghiệp, không rối mắt, xứng với tầm vóc của sự kiện 60 năm ngày giải phóng Thủ đô. Để phát huy tối đa hiệu quả ánh sáng đồng thời bảo đảm không bị quá tải đường dây điện, đơn vị đã tính toán hợp lý, bố trí nhân viên túc trực tại trung tâm điều khiển để tắt, bật nhịp nhàng”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Cùng với những thiết bị chiếu sáng, thành phố Hà Nội còn sử dụng tiểu cảnh hoa, cây cảnh trang trí tại các công viên, vườn hoa, dải phân cách và đảo giao thông, nút giao, trụ sở cơ quan TƯ và thành phố. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên vườn thú Hà Nội, ông Lê Sỹ Dũng, cho biết: Công ty đã cơ bản hoàn thành việc trang trí hoa, cây cảnh tại khu vực phía tây thành phố; bố trí nhân lực chăm sóc, bảo vệ, bảo đảm hoa, cây luôn tươi, phục vụ ngày lễ trọng của Thủ đô, đồng thời lên kế hoạch cây dự phòng trong trường hợp thời tiết bất thường, để kịp thời thay thế.
Tại khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, giàn hoa có kích thước dài 6 m, rộng 2 m, với dòng số “10/10/1954 - 10/10/2014” đã được lắp đặt. Đây được xem là điểm nhấn quan trọng tại khu vực trung tâm Thủ đô. Theo bà Mai Hương Giang, Giám đốc Xí nghiệp quản lý công viên cây xanh thuộc Công ty TNHH một thành viên cây xanh Hà Nội: Dịp này, đơn vị đã huy động hơn 17.000 cây hoa tươi, hơn 2.500 chậu hoa tươi, 19.000 bông hoa lụa... để làm nổi bật vẻ đẹp của hồ Hoàn Kiếm cũng như các tuyến phố chính xung quanh.
Rồng Thăng Long quần tụ
Chiều 4/10, tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, bên hồ Hoàn Kiếm, Liên hoan múa Rồng Hà Nội lần thứ 4 năm 2014 đã tưng bừng diễn ra, với sự góp mặt của 25 đội múa Rồng. Liên hoan do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức, chào mừng 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô và 15 năm Hà Nội được UNESCO công nhận Thành phố Vì hòa bình.
Theo đánh giá của Ban tổ chức, Liên hoan múa Rồng năm nay có quy mô lớn, được các địa phương đầu tư công phu về hình ảnh Rồng, nhân lực, kỹ thuật múa. Ngoài những đôi Rồng đẹp, các đội còn mang tới một số linh vật khác để màn múa thêm phần hấp dẫn. Trong gần 5 giờ đồng hồ diễn ra liên hoan, các đội đã trình diễn nhiều điệu múa đẹp mắt, tạo dáng Rồng chầu, Rồng cuốn, Rồng uốn lượn trên không trung. Ông Trần Văn Ngọc, Đội trưởng đội múa Rồng huyện Mỹ Đức phấn khởi nói: “Đội chúng tôi mang hết tâm huyết tập luyện. 40 thành viên trong đội đều ở Chi hội người cao tuổi của huyện và một số anh em yêu thích múa Rồng khác”.
Ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội khẳng định: Liên hoan múa Rồng mang ý nghĩa quan trọng vì từ trước đến nay người Hà Nội luôn tôn vinh nét đẹp của Rồng. Thăng Long là mảnh đất Rồng bay, đồng thời Rồng cũng là linh vật được người Việt trân trọng, thể hiện khí phách của dân tộc, sự phồn thịnh trong cuộc sống, nét đẹp truyền thống văn hóa Việt Nam. Liên hoan được duy trì nhiều năm nay, Hà Nội sẽ tiếp tục bảo tồn, phát triển để trở thành hoạt động văn hóa thường niên, giàu ý nghĩa.
Đinh Thị Thuận - Mạnh Khánh