Hà Nội mở lối cho đầu tư tu bổ di tích quốc gia đặc biệt

Với số lượng di tích quốc gia đặc biệt nhiều nhất cả nước, 21 trong tổng số 123 di tích, Hà Nội tự hào là địa phương có nhiều vốn quý di sản cùng chiều sâu văn hóa, lịch sử. Nhưng thực tế, các di tích này đã có bề dày hàng trăm thậm chí hàng nghìn năm, việc đầu tư tu bổ, trùng tu sẽ đặt ra nhiều vấn đề cho những người quản lý, bởi nó có tính đặc thù riêng. Trong muôn vàn khó khăn, Hà Nội đã có những hướng đi phù hợp, mở lối cho việc đầu tư, tu bổ di tích quốc gia đặc biệt, khi thực tế và quy định còn gặp nhiều bất cập.

Nhiều bất cập

Chú thích ảnh
Chùa Tây Phương (tên chữ “Sùng Phúc tự”) là di tích thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật, nằm trên địa phận xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Đầu năm nay, dư luận đặc biệt quan tâm khi Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất) bị xuống cấp nặng, trong khi chưa thể triển khai vì vấn đề quy định trong đầu tư. Trong khi đó, nhiều cột, trụ của chùa bị mối mọt; một phần mái ngói chùa Hạ xô lệch bị thấm dột khi mưa; đá ong lối lên xuống chùa bị vỡ, hỏng gây mất an toàn cho khách tham quan và di tích. Một mặt, hệ thống tượng cổ đang bị bong tróc sơn, chân đế một số pho tượng bị bong gãy, nếu không kịp thời tu bổ sẽ càng xuống cấp nặng. Khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích nằm trong khu dân cư sinh sống lâu đời, cần được di dân, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Theo Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Thạch Thất Nguyễn Trường Giang, việc đầu tư dự án quy hoạch, di dân tái định cư tạo không gian cho di tích và dự án tôn tạo, tu bổ di tích chùa Tây Phương là hết sức cấp bách và cần thiết. Tuy vậy, do chùa Tây Phương là Di tích quốc gia đặc biệt, việc đầu tư tôn tạo, tu bổ phải tuân thủ đúng quy trình.

Mới đây, sai phạm trong tu bổ đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm) cũng đặt ra vấn đề quản lý vấn đề đầu tư tu bổ di tích quốc gia đặc biệt. Dù đã hoàn thiện hồ sơ tu bổ song trong quá trình thi công, đơn vị thực hiện đã để xảy ra ba sai phạm gồm: Chặt hạ cây đa ngoài cổng đình (trong dự án tu bổ không có nội dung này); một cổng phụ được xây bịt kín lại, chuyển cổng mới; tự ý gia cố móng lan can. Ngay sau đó, các cơ quan quản lý vào cuộc kiểm tra xử lý, song không thể phục hồi được nguyên trạng ban đầu. Dự án tu bổ đình Chèm vốn được cấp phép và những sai phạm không lớn, song sự việc cho thấy những bất cập trong công tác quản lý di tích.

Tình trạng vi phạm trong quản lý những Di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn Hà Nội không còn là chuyện hiếm. Trước đó, đình Tây Đằng (huyện Ba Vì) cũng được thay hai cánh cổng cũ bằng cổng sơn mới, mang dáng vẻ hiện đại không phù hợp với cảnh quan, không gian di tích. Di tích đền Gióng ở Phù Đổng (huyện Gia Lâm) cũng hai lần xảy ra sự cố, đó là Ban Quản lý di tích tự ý đưa vào khuôn viên di tích một con ngựa đồng nặng hàng tấn, một bộ quần áo giáp sắt; một số cấu kiện gỗ mộc bị đem ra sơn phết màu không phù hợp...

Trước sự xuống cấp của một số Di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn thành phố, tâm lý lo ngại, mong mỏi được đầu tư tu bổ của những người quản lý di tích là điều dễ hiểu. Tuy vậy, do chưa nhận thức đúng những quy định trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, nhất là Di tích quốc gia đặc biệt, một số nơi còn để xảy sai phạm. Một mặt, việc đầu tư, tu bổ di tích quốc gia đặc biệt phải tuân thủ theo quy trình, phải có quy hoạch chung. Điều này khiến một số di tích chưa được tu bổ kịp thời khi xuống cấp.

Cụ thể, theo Nghị định 166/2018/NĐ-CP quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, việc lập quy hoạch là cơ sở để định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, trong đó có phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích của toàn khu vực quy hoạch; danh mục công trình cần bảo quản, tu bổ, phục hồi và mức độ bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với từng công trình... Quy hoạch cũng là cơ sở để phát huy giá trị di tích trong lĩnh vực du lịch; xác định chiều cao, mật độ xây dựng, định hướng kiến trúc trong không gian lập quy hoạch. Điều này là hết sức cần thiết với những di tích có diện tích trải rộng, có nhiều công trình dân sinh xen lẫn trong khu vực. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch ở hầu hết Di tích quốc gia đặc biệt đều đang bị vướng ở mức độ khác nhau.
 
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tổng thể di tích, nhưng đến nay chưa triển khai được bước tiếp theo để lập quy hoạch. Nguyên nhân chính do vướng Luật Quy hoạch và nguồn kinh phí thực hiện. Giải thích rõ vấn đề này, ông Lê Xuân Kiêu cho biết, kinh phí triển khai lập quy hoạch phải lấy từ đầu tư công, nhưng đơn vị là đơn vị chủ tài chính, có nguồn thu nên chưa thống nhất được nguồn chi triển khai. Trong khi đó, các hạng mục di tích trong quá trình khai thác rất lâu, chưa có sự tu bổ nên đã xuống cấp, và đây đều là các hạng mục gốc quan trọng. Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám mong muốn các cơ quan chức năng tháo gỡ câu chuyện liên quan đến vấn đề lập quy hoạch để được thực hiện, có cơ sở pháp lý để triển khai các công việc liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Trước những bất cập trong việc tu bổ Di tích quốc gia đặc biệt, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng, khi di tích đã xuống cấp nặng, buộc phải đầu tư ngay để đảm bảo các yếu tố gốc, không thể chờ xây dựng quy hoạch và ông là người chịu trách nhiệm về vấn đề này. Quá trình tu bổ phải hoàn thiện những thủ tục cần thiết. Sở có trách nhiệm đề nghị với UBND thành phố Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh, với nhóm dự án đã được phê duyệt đầu tư cần nghiêm túc triển khai và phải chú trọng vai trò giám sát quá trình thực hiện đầu tư tu bổ, tránh xảy ra sai phạm. Sở sẽ thành lập Hội đồng tư vấn di sản để hỗ trợ các địa phương có các Di tích quốc gia đặc biệt và các di tích khác trong quá trình tu bổ.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nói chung, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp các sở, ngành liên quan và địa phương tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch Di tích quốc gia đặc biệt và các di tích trọng điểm trên địa bàn thành phố; ban hành hướng dẫn về việc lập hồ sơ, dự án, thực hiện việc trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với các di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt; kết hợp tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động tu bổ, kịp thời ngăn chặn hiện tượng tu bổ trái phép.

Theo phân cấp quản lý, thành phố chỉ trực tiếp quản lý 12 di tích, các di tích còn lại phân cấp cho các quận, huyện. Thực tế này đòi hỏi công tác quản lý phải thực hiện sát sao hơn trong trông nom, cũng như giám sát tu bổ.

Đinh Thuận (TTXVN)
Công nhận điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, Hà Nội 
Công nhận điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, Hà Nội 

Ngày 15/7, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2475/QĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, địa chỉ xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN