Quần thể hang động Chùa Tiên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp Quốc gia vào năm 2011. Với hệ thống hang động bố trí rải rác dọc 2 dãy núi Tung Xê và Hương Tích, thuộc địa phận thôn Lão Nội và Lão Ngoại của xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, khu di tích Chùa Tiên đa dạng và phong phú với du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử. Vẻ đẹp hoang sơ nơi đây chính là nét quyến rũ với 2 tuyến chùa chính và hơn 20 điểm động ghi nhận những giá trị khảo cổ học, văn hóa lịch sử và thắng cảnh thiên nhiên kỳ vỹ.
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh đã đánh trống khai mạc lễ hội. Mở đầu là chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề "Chùa Tiên! Nơi hội tụ” gồm 2 phần: Phần I - Huyền tích cổ xưa với tổ khúc Múa mạch nguồn, hát múa "Huyền thoại đất Mường”, Hồn ngữ đất Mường và Hòa tấu trống "Sắc Mường”; Phần II - Hội Xuân đón bạn, gồm các tác phẩm hát múa: "Quê hương mừng Đảng mừng Xuân”, tái hiện Lễ Tam phủ, tốp ca "Lạc Thuỷ thênh thang ngày mới” và màn hát múa "Hòa Bình tay trong tay”.
Thượng tọa Thích Đức Nguyên, Chủ tịch Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình chia sẻ, mùa Xuân là dịp mở lễ hội để tôn vinh văn hóa, truyền thống, cội nguồn, tổ tiên, dân tộc. Người dân về với lễ hội để tạo sức mạnh đoàn kết, góp sức xây dựng quê hương, đất nước. Thượng tọa Thích Đức Nguyên cầu chúc cho nhân dân và du khách thập phương gặp nhiều may mắn, thành công như ý trong năm 2024.
Anh Trần Anh Đức (khách du lịch Hà Nội) chia sẻ, đây là điểm đến linh thiêng để gia đình cầu nguyện những điều may mắn trong năm mới. Lễ hội năm nay cũng có nhiều điểm thay đổi tích cực so với mọi năm. Quang cảnh hệ thống chùa đã được nâng cấp, tu bổ khang trang hơn, môi trường thoáng đãng, sạch sẽ; công tác tổ chức bài bản, an ninh, trật tự được đảm bảo an toàn cho người dân, việc cúng lễ cũng được hướng dẫn, sắp xếp chu đáo, không gây lộn xộn, phản cảm.
Tại lễ khai hội, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy Nguyễn Văn Hải cho biết, năm 2024, Lễ hội Chùa Tiên được tổ chức quy mô cấp tỉnh với rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao, trò chơi dân gian phong phú. Thông qua các hoạt động của lễ hội, du khách thập phương gần xa được cảm nhận sâu sắc về sự lan tỏa mạnh mẽ của giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống tinh thần của nhân dân. Lễ hội chùa Tiên được tổ chức thường niên sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tham gia giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước. Lễ hội cũng là dịp quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Lễ hội Chùa Tiên mang tính truyền thống, lịch sử lâu đời, là nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần, đi vào tiềm thức của người dân địa phương và du khách trong nước và quốc tế. Du khách đến với Chùa Tiên không chỉ để tham quan, vãn cảnh, tìm hiểu những nét đẹp văn hóa của người Mường cổ, khám phá những nét đặc trưng của người dân địa phương thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian và các lễ hội truyền thống... mà còn đến để lễ Phật, lễ Mẫu, cầu may, cầu phúc, cầu lộc cho gia đình. Đây cũng là dịp để người dân ôn lại những nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam, để tri ân, tưởng nhớ tới những bậc tiền nhân đã có công khai phá và tạo dựng nên những vùng đất, miền quê "Sơn thủy hữu tình" của đất nước.
Lễ hội Chùa Tiên diễn ra từ ngày 12 - 14/2 (tức mùng 3 đến 5 tháng Giêng).